Lên Twitter nói muốn tự tử, 9 người bị tìm giết rồi chặt xác

Hôm 26-11, các công tố viên Nhật đã yêu cầu án tử hình đối với nghi phạm giết người hàng loạt Takahiro Shiraishi. Mức án đề xuất này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân, theo tờ South China Morning Post.

Giết chín người từng có ý định tự tử

Tại phiên tòa sơ thẩm ở chi nhánh Tachikawa của Tòa án quận Tokyo, các công tố viên đã yêu cầu án tử hình đối với Takahiro Shiraishi, 30 tuổi, người bị cáo buộc phạm tội giết người, phân xác và cất giữ thi thể của chín người trong căn hộ của anh ta gần Tokyo.

Một công tố viên cho biết: “Chín sinh mạng trẻ đã bị lấy đi chỉ trong hai tháng ngắn ngủi”, và nói thêm rằng tội ác của anh ta “đáng phải nhận cái chết”.

Ngày 25-11, Shiraishi cho biết anh ta có thể sẽ phải nhận án tử hình. Tuy nhiên, các luật sư bào chữa của anh ta lập luận rằng tội giết người nên được giảm nhẹ vì các nạn nhân anh ta giết đều muốn chết.

Takahiro Shiraishi bị buộc tội giết 9 người. Ảnh: KYOTO NEWS

Theo cáo trạng, Shiraishi đã bóp cổ và phân xác tám phụ nữ và một đàn ông, 15 đến 26 tuổi, trong hai tháng gần cuối năm 2017. Thi thể của họ được phát hiện bên trong thùng lạnh trong căn hộ của anh ta ở Zama, tỉnh Kanagawa, và các thùng chứa khác. 

Kẻ sát nhân cũng khai với cảnh sát rằng hắn ta liên lạc với các “con mồi” có ý định tự tử qua nền tảng Twitter và giết họ vào ngay lần gặp mặt đầu tiên tại nhà riêng. Anh ta cũng bị cho là đã chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân và tấn công tình dục tất cả phụ nữ. Tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 15 tháng 12.

Đa số người dân Nhật đều phẫn nộ trước lời khai của Shiraishi tại tòa, đồng thời đều ủng hộ tòa tuyên án tử hình cho anh ta.

Một người dùng trên Twitter nói: "đó là một tội ác dã mang nên tử hình sẽ là một bản án hợp lý", trong khi một người khác đề nghị "phán quyết nên được đưa ra vào ngày hôm sau".

Làn sóng ủng hộ án tử hình lan rộng

Theo thống kê của chính phủ, khoảng 80% người Nhật vẫn ủng hộ việc treo cổ vì những tội ác tày trời.

Vào tháng 7-2018, đã có một số cuộc tranh luận về vấn đề này, khi sáu thành viên cuối cùng của giáo phái khải huyền Aum Shinrikyo bị hành quyết vì tấn công bằng chất độc thần kinh Sarin trên hệ thống tàu điện ngầm Tokyo vào năm 1995.

Tờ báo Asahi đã vận động để Nhật làm theo các quốc gia châu Âu và bãi bỏ việc treo cổ. Vài giờ sau khi các thành viên Aum bị treo cổ, tờ báo này đã xuất bản một bài xã luận mô tả vụ hành quyết là "gây sốc".

Đồng thời, phát ngôn viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Không thể xem việc đền mạng là lời giải đáp được. Đã đến lúc chính quyền Nhật phải thiết lập một lệnh cấm ngay lập tức đối với tất cả các vụ hành quyết như những bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ nó."

Năm 2016, Liên đoàn Luật sư Nhật tự đặt mục tiêu chấm dứt hình phạt tử hình vào năm 2020. Họ đề xuất thay thế án tử hình đối với những tội phạm nghiêm trọng bằng án chung thân không có khả năng ân xá. Chiến dịch này đã đạt được một ít tiến triển.

Tuy nhiên, khi họ cho rằng án tử hình ít mang tính răn đe, thì đại đa số công dân Nhật không thấy thuyết phục và vẫn xem tử hình là hình phạt cuối cùng.

Ông Yoichi Shimada - giáo sư tại Đại học Fukui cho biết: “Tôi tin rằng sự trừng phạt là cần thiết để duy trì sự ổn định trong xã hội và cho thấy công lý đang được thực thi’.

“Khi tội ác quá lớn và không còn cách nào khác để chuộc lỗi thì án tử hình là hoàn toàn phù hợp” - ông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới