Lênh đênh dưới chân cầu Bình Lợi

Không điện, không nước sạch

Khoang ghe chưa đầy 6 m2 này là nơi nấu nướng, ngủ nghỉ, sinh hoạt của gia đình ông Ba Chúc. Ảnh: V.HOA

Chủ nhân của ba chiếc ghe cũ kỹ đậu sát mép sông là gia đình các ông Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Văn Minh và bà Ngô Thị Liêm. Tất cả đều kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và chở hàng thuê.

Một chiều cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi ghé thăm ghe của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc (còn gọi là Ba Chúc) đang tròng trành theo từng con nước. Để xuống được “nhà” của ông Ba Chúc, chúng tôi phải tháo giày, bấm mạnh ngón chân, đi từng bước rón rén nhưng vẫn suýt té mấy lần. Mùi tanh của bùn xông lên nồng nặc...

Ông Ba Chúc cho hay trước đây khu vực này là nơi cư ngụ của hàng trăm hộ dân chài. Do nước sông bị ô nhiễm, cá ít dần và thường bị xua đuổi nên các hộ khác bỏ lên bờ kiếm kế sinh nhai. “Chỉ còn lại gia đình tôi và hai hộ hàng xóm bám trụ để kiếm sống. Mà nói thật, lên bờ tụi tôi cũng không biết làm gì để sống trong khi nhà cửa không có” - ông Ba Chúc giãi bày.

Những chiếc ghe nhỏ vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là nơi ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt của ba hộ gia đình. Nhà ông Ba Chúc có năm người con đều sinh ra, lớn lên trên chiếc ghe. Nay tất cả đều đã trưởng thành, có người lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng ông lại tiếp tục chăm cháu ngoại trên ghe.

Gia đình ông Ba Chúc may mắn được dùng ké điện và nước sạch của chủ nhà trọ sát bờ, còn với hai gia đình kia điện, nước là những thứ xa xỉ. Phải nhờ gia đình ông Ba Chúc san sẻ thì họ mới có nước sạch để dùng.

Không dám đi bệnh viện

Sinh hoạt chủ yếu bằng nước sông, ông Nguyễn Văn Minh bị ghẻ lở lâu ngày. Tuy nhiên, ông và người em trai vẫn phải tiếp tục sử dụng nguồn nước này để tiết kiệm nước sạch. Ông Minh cũng không dám đi bệnh viện vì không có tiền. Những gì kiếm được từ dòng sông chỉ đủ để ông lo từng bữa ăn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hinh cũng mắc bệnh khớp, tiểu đường nhưng chỉ dám mua thuốc uống giảm đau mỗi khi những cơn đau hành hạ. Bà Hinh cho biết bà và mấy người hàng xóm không dám ghé bệnh viện để khám bệnh vì “nếu phát hiện bệnh thì cũng không có tiền để chữa”.

“Tụi tôi đều lớn tuổi cả rồi, giờ chỉ mong có thể lên bờ, thuê phòng trọ để ở và đi bán vé số. Nhưng rồi không có tiền nên đành chịu, phải tiếp tục bám trụ khúc sông này” - ông Ba Chúc thở dài.

Họ đã nói

Khi các con còn nhỏ, tôi phải vừa ngủ vừa cho chân xuống khoang ghe, để lỡ nước có vào ghe thì kịp thức dậy tát ra ngoài. Vợ chồng tôi gần như không đêm nào ngủ yên vì sợ con rơi xuống nước.

Bà NGUYỄN THỊ HINH, vợ ông Ba Chúc

***

Ông Ba Chúc còn nổi tiếng do hay vớt xác và cứu người tự tử quanh hai cây cầu Bình Lợi, Bình Triệu. Đối với những người cứu kịp thời, ông đưa lên “nhà” mình nghỉ ngơi lại sức, sau đó đưa nạn nhân về tận nhà. Đối với những người không cứu kịp, ông cũng không nề hà vớt vào bờ, làm lễ cho nạn nhân rồi bàn giao công an phường.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới