Bên cạnh những người mong bỏ tục lệ lì xì vì mặt trái của nó thì phần đông đều đều ủng hộ giữ nét đẹp văn hóa này.
Giúp lì xì trở về ý nghĩa vốn có
Một số ý kiến cho rằng lì xì đã có từ xa xưa, nó đã trở thành tục lệ, thành nét đẹp văn hóa ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Thế nhưng, hiện nay lì xì dần bị biến tướng và không còn mang ý nghĩa chúc may mắn, tài lộc nhưng bản thân mỗi người có thể giúp lì xì trở về đúng với ý nghĩa của nó mà không cần phải xem nó là cái nợ để rồi loại bỏ.
Theo đó, MC Phan Anh cũng đã viết trên mạng xã hội để nêu quan điểm của mình về tục lệ lì xì. MC cho biết mình đồng cảm với quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng nhưng lại chọn một giải pháp khác. Bản thân anh cũng có cảm giác "mừng tuổi" mà như "trả nợ", tuy nhiên nếu vì "cái nợ" đó mà bỏ đi nét văn hóa thì anh lại lăn tăn. "Tôi chọn giữ một mức lì xì duy nhất, vừa phải, có tính chất tượng trưng và không cần bận tâm ai nghĩ gì hay nói gì", nam MC chia sẻ.
Sau đó, diễn viên Hồng Ánh cũng để lại bình luận của bài viết Phan Anh: "Mình thấy con cái lớn mừng tuổi cha mẹ qua hồng bao ngày Tết như cái cớ để gửi hiện kim cho ba mẹ vui bởi nếu biết đâu tặng tiền trực diện có khi ba mẹ sẽ từ chối. Mà dù thông qua cách lì xì, số tiền bao nhiêu thì hãy vui với việc mình làm, số tiền mình trao trong khả năng của mình".
Một số tài khoản khác cũng đã để lại bình luận đồng tình với quan điểm của MC Phan Anh:
"Lì xì là tục lệ từ bao đời nay của người Việt ta, tuy nó bị biến tướng đi ở một số nơi nhưng làm sao có thể bỏ tục lệ này được. Nếu bỏ đi thì còn gì văn hóa của ngày Tết nữa".
"Đồng tình với bài viết. Tôi xem đó là nét văn hóa. Tôi không nặng nhiều hay ít, cứ bỏ 10.000 hay 20.000 đồng, nghĩ đơn giản".
"Quan trọng do bản thân mình thôi, kinh tế bao nhiêu thì lì xì bấy nhiêu nhưng vẫn phải duy trì tục lệ này vì nó là giá trị văn hóa, mang ý nghĩa tốt đẹp".
Lì xì là cách thể hiện tình cảm tốt đẹp
Chia sẻ vớiPLO, không ít người cũng cho rằng lì xì không chỉ dừng lại là tục lệ mà nó còn là cách để những người thân trong gia đình thể hiện tình cảm với nhau.
Bà Nguyễn Thị Út, thợ may đang sinh sống tại huyện Bình Chánh, TP.HCM cho rằng lì xì là tục lệ và là niềm vui của ngày Tết, nếu Tết không có lì xì thì tết giảm đi ít nhiều ý nghĩa.
"Cứ Tết đến là gia đình tôi chuẩn bị mấy bao lì xì vàng đỏ rực rỡ, mấy đứa nhỏ cứ đến chúc Tết là tôi lì xì cho. Mà ngay cả trong gia đình tôi cũng vậy ông bà lì xì con cháu, con cháu mừng tuổi lại cho ông bà. Mừng tuổi qua lại vậy mà vui và hạnh phúc lắm".
Bà Nguyễn Thị Phấn cũng cho rằng Tết thì phải lì xì cho con cháu: "Dù ít hay nhiều tôi vẫn lì xì cho cháu mình, như vậy mới vui, mới đúng là Tết. Thay vì ngày bình thường mình cũng cho tiền rồi, thì Tết mình chỉ cần bỏ vô cái bao lì xì thôi mà". |
"Theo gia đình tôi, lì xì là cách mình thể hiện tình cảm với những người xung quanh, không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn tuổi cũng sẽ hạnh phúc khi được nhận lì xì. Người được lì xì sẽ cảm nhận được sự yêu thương còn người lì xì sẽ hạnh phúc vì cảm thấy đã làm được một điều gì đó cho những người thân yêu", chị Bảo Trân chia sẻ. |
Chị Phương Vi 23 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại Boston, Mỹ, cũng chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về việc này. Theo chị, tục lệ lì xì dường như đã ăn sâu vào trong mỗi người Việt Nam, chính vì thế dù đã sang Mỹ sinh sống gần 10 năm nhưng đến nay chị cảm nhận lì xì là một điều gì đó rất quan trọng, hân hoan với chị vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Chị không nặng nề trong phong bao lì xì có bao nhiêu, nó chỉ là một trong những cách thể hiện tình cảm cho nhau, chúc những điều tốt lành cho nhau ngày Tết.