Kiều trong lịch Truyện Kiều ôm cây đàn nguyệt chứ không phải đàn tỳ bà như thường thấy.
Đây là lần đầu tiên có một quyển lịch sử dụng đầy đủ quyển Truyện Kiều với 3.254 câu thơ để làm nên quyển lịch. Đây cũng là lần đầu tiên có một quyển lịch block về Truyện Kiều có đến 365 hình ảnh khác nhau vẽ minh họa Truyện Kiều để in trong 365 tờ lịch của năm 2017.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt là người phân đoạn 3.254 câu trong Truyện Kiều thành 365 đoạn để có 365 bức vẽ trong quyển lịch.
Thúy Kiều, Thúy Vân trong lịch không phải công chúa, không phải tiểu thư con nhà quá giàu có nên trang phục không quá lộng lẫy.
Bản Kiều được chọn để làm lịch với sự cố vấn của Viện Văn học Việt Nam là bản Kiều của cụ Đào Duy Anh, bản in lần hai có sửa chữa, bổ sung do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1993.
Bên cạnh hình vẽ minh họa, mỗi đoạn thơ Kiều trên mỗi tờ lịch đều có in thêm phần chú giải các điển tích trong Kiều cũng do cụ Đào Duy anh biên soạn.
Cô Đoàn Thị Thu Vân - nguyên phó khoa Văn học Đại học Sư phạm TP.HCM là người biên tập cho bản thảo những đoạn thơ Kiều và chú giải Kiều trên mỗi tờ lịch.
Kiều và Kim Trọng trong trang phục thuần Việt.
Riêng phần quan trọng nhất của bộ lịch Truyện Kiều này là 365 tranh minh họa do họa sĩ Hữu Hiếu thực hiện trong suốt hai năm.
Đáng chú ý, họa sĩ đã không vẽ Kiều với trang phục Trung Hoa cổ hoặc trang phục biến tấu cổ vừa có nét Trung Hoa vừa có nét Việt Nam mà chọn vẽ Kiều với trang phục cổ thuần Việt là áo yếm, áo tứ thân, đầu vấn khăn. Cây đàn của Kiều cũng không phải là cây đàn tỳ bà như nhiều hình vẽ Kiều thường thấy trước đây mà là cây đàn nguyệt nhìn cũng rất Việt Nam.
Khi được hỏi từ nghiên cứu nào đã có sự lựa chọn này vì trước nay việc thể hiện trang phục của Thúy Kiều, Thúy Vân và các nhân vật trong Truyện Kiều thường gây tranh cãi, và vì lựa chọn này có thể khiến hình ảnh Thúy Kiều, Thúy Vân bớt thướt tha yêu kiều, họa sĩ Hữu Hiếu đã hào hứng giải thích:
“Truyện Kiều do cụ Nguyễn Du sáng tác từ một câu chuyện có gốc Trung Hoa của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng cụ Nguyễn Du đã kể nó bằng ngôn ngữ Việt, tâm hồn Việt một cách quá tuyệt tác nên Truyện Kiều mới là tuyệt tác của văn học Việt Nam, cụ Nguyễn Du mới là đại thi hào thế giới của Việt Nam. Nên hồn vía của truyện Kiều theo tôi phải là Việt Nam. Vậy nên tôi đã chọn trang phục thuần Việt.
Tôi thấy trước đây có nhiều tranh vẽ Kiều nhìn giống như công chúa. Nhưng trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du viết rằng “Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”. Tức Thúy Kiều, Thúy Vân đâu phải công chúa, đâu phải con nhà quá giàu có nên vẽ trang phục quá lộng lẫy, tha thướt là không đúng. Tuy nhiên có những hoàn cảnh khác nhau như Kiều ở nhà, Kiều ở lầu xanh, Kiều làm phu nhân tướng quân Từ Hải thì sẽ có những trang phục khác nhau.
Tại sao tôi chọn cây đàn nguyệt chứ không phải cây đàn tì bà khi vẽ Kiều cũng có cơ sở. Trong Kiều cụ Nguyễn Du viết “Hiên sau treo sẵn cầm trăng”, tức là cây đàn Kiều đánh cho Kim Trọng nghe là đàn nguyệt – cầm trăng. Nhưng khổ nỗi khúc sau cụ Nguyễn lại viết “So vần dây vũ dây vân. Bốn dây to nhỏ gieo vần cung thương”, tức cây đàn có bốn dây. Mà đàn nguyệt tôi vẽ chỉ có hai dây. Đến đây thì tôi học giáo sư Trần Văn Khê. Giáo sư bảo nghiên cứu cho thấy rằng cây đàn nguyệt cổ thời trước có bốn dây, bây giờ đã thất truyền và chỉ cải tiến còn hai dây. Do đó cây đàn của Kiều vào thời điểm cụ Nguyễn Du viết khả năng chính xác cao là cây đàn Nguyệt”.
Tại buổi ra mắt, đại diện Công ty An Hảo và Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm TP.HCM cho biết họ cho ra mắt quyển lịch Truyện Kiều bởi họ đã và luôn theo đuổi việc xuất bản những bộ lịch mang đậm bản sắc dân tộc Việt, văn hóa Việt.