Video: Liên kết du lịch giữa Thanh Hóa, TP.HCM và Đông Nam Bộ đi vào chiều sâu |
"Hội nghị Liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ là một ví dụ rõ nét trong số những nỗ lực đưa liên kết, hợp tác của các địa phương đi vào thực chất, góp phần thực hiện có hiệu quả, quan điểm chủ đạo của Nghị quyết số 82/NQ-CP “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị tổ chức chiều 25-8.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng quà lưu niệm cho TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. |
Thanh Hóa - một Việt Nam thu nhỏ
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hội nghị nhằm giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đồng thời tạo diễn đàn cho doanh nghiệp (DN) gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các địa phương.
Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Trung Bộ và Nam Bộ. Tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ từ đường bộ, đường sắt, cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng hàng không, được mệnh danh là một “Việt Nam thu nhỏ”.
Tỉnh có một di sản văn hóa thế giới, năm di tích quốc gia đặc biệt, 102 km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và nhiều thắng cảnh nổi tiếng.
Theo Sở VH-TT&DL, hiện tỉnh thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 146.000 tỉ đồng.
Tất cả các yếu tố trên đã trở thành chất liệu để tỉnh có thể phát triển du lịch bốn mùa với các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày những tiềm năng của tỉnh. |
Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách. Trong đó, 7 tháng đầu năm đón 10 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 19.642 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, "du lịch biển và các tiềm năng du lịch tỉnh Thanh Hóa sẵn có nhưng chưa tạo được nét độc đáo riêng có, chưa có quy hoạch ở các bờ biển một cách bài bản" - đánh giá của đại diện Tập đoàn Sun group.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng: "Chúng tôi mong muốn hội nghị sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, DN du lịch của tỉnh Thanh Hóa, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ gặp gỡ, liên kết, hợp tác. Qua đó đem lại sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng cao, giá thành phù hợp, liên kết xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch".
Đến với hội nghị, tỉnh Đồng Nai trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương. |
Mỗi địa phương xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã liên kết du lịch năm vùng với 49 tỉnh, thành trong cả nước. Với vai trò là một trung tâm du lịch cả nước, hoạt động liên kết du lịch đã tạo điều kiện chuyển tiếp dòng khách giữa TP.HCM và các địa phương.
Để hoạt động liên kết du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nói chung sôi nổi hơn, ngành du lịch các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện cho DN khôi phục lại các hoạt động du lịch một cách an toàn.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. |
"Song song đó, các DN du lịch của các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch, thêm các chương trình tour, tuyến mới, đặc sắc; cùng phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác quảng bá nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch TP.HCM sống động từng trải nghiệm và thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”. Qua đó, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy hơn nữa dòng khách đa chiều giữa các địa phương"- ông Đức nói.
Cục trưởng Cục Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Trùng Khánh phát biểu.
Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch đi vào thực chất, có chiều sâu, Cục trưởng Cục Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Trùng Khánh đề nghị: "Mỗi địa phương phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ và cụ thể hóa nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Thứ hai, nội dung liên kết, hợp tác chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách. Đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến.
Thứ ba, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP bằng các cơ chế, chính sách và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Thứ tư, các DN và báo chí sát cánh, đồng hành trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để ngành du lịch các địa phương ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thanh Hóa, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. |