Liên kết trồng cao su không hiệu quả, người dân mong sớm được thanh lý

(PLO)- Trồng cao su liên kết 13 năm nhưng không hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Ia Chim (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mong muốn được trả lại đất để chủ động sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một số người dân ở xã Ia Chim (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM: Theo quy trình, cây cao su trồng từ năm đến bảy năm là có thể đưa vào khai thác mủ. Thế nhưng, tại xã Ia Chim lại xảy ra tình trạng cây cao su trồng hơn 13 năm tại nông trường cao su Tân Hưng (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, gọi tắt Công ty Cao su Kon Tum) vẫn chưa được cho cạo mủ. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến người dân trồng liên kết với công ty bức xúc.

Vườn cao su trồng hơn 13 vẫn chưa cạo mủ vì cây kém phát triển. Ảnh: LK.

Vườn cao su trồng hơn 13 vẫn chưa cạo mủ vì cây kém phát triển. Ảnh: LK.

Theo người dân làng Weh, xã Ia Chim phản ánh, việc không cho khai thác đúng thời điểm khiến bà con không có thu nhập ngay chính mảnh đất của mình. Anh A Hưng, đại diện cho bà con làng Weh cho biết: “Từ năm 2008, người dân trong làng đã ký trồng cao su liên kết với nông trường cao su Tân Hưng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 23 ha cây cao su vẫn chưa được nông trường cho khai thác mủ và nhiều nhiều diện tích khác khai thác cầm chừng”.

Theo anh Hưng, từ bốn năm nay, bà con đã kiến nghị với Công ty Cao su Kon Tum có hướng giải quyết cụ thể. Cây cao su quá thời hạn vẫn không cho cạo mủ. Nhiều năm nay vẫn chưa xử lý cho dân, gây lãng phí đất, một số hộ dân phải đi làm thuê. Do đất này đã liên kết (góp đất) nên bà con không tự quyết, phá bỏ được.

Hơn 68 ha cao su kém hiệu quả

Công ty Cao su Kon Tum thống kê, đơn vị có 68 ha cao su trồng theo hình thức liên kết kém phát triển (gồm 23 ha ở xã Ia Chim), không có khả năng cạo mủ, trồng từ năm 2008-2009. Tính đến tháng 5-2022, đã đầu tư hơn 7,2 tỉ đồng với gần 29.000 cây vẫn chưa thu hồi vốn. Toàn công ty có hơn 1.500 ha cao su liên kết trong tổng số hơn 9.600 ha.

Trưởng thôn Weh, anh A Yá cho biết thêm: Toàn thôn có hơn 40 ha cao su liên kết đang gặp vấn đề về khai thác mủ, trong đó có hơn 23 ha chưa cạo mủ lần nào. Nhiều năm liên kết với công ty, vườn cây chưa cho cạo mủ nên nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Việc này bà con đã ý kiến rất nhiều rồi mà chưa được giải quyết.

“Nhà tôi có gần một ha cao su thuộc diện liên kết. Do vùng đất này không phù hợp, đất đá nên gần 10 năm nay, công ty không đầu tư phân bón nữa. Bây giờ, nguyện vọng của tôi cũng như người dân trong làng là đề nghị công ty cho thanh lý, trả đất cho dân để chủ động sản xuất”, trưởng thôn Weh nói.

Trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Ia Chim, cho biết: Công ty Cao su Kon Tum liên kết trồng cao su với người dân và có xảy ra tình trạng nhiều diện tích không cho cạo mủ như bà con phản ánh là đúng. Xã có tìm hiểu, nguyên nhân là do đất xấu, đồi đá, cây sinh trưởng kém. Xã và nông trường đã tổ chức họp dân nhiều lần rồi và được công ty trả lời là chờ ý kiến của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Theo ông Hưng, do chờ lâu quá khiến dân bức xúc, xã cũng lo sợ vấn đề kéo dài thành điểm nóng ở địa phương. Quan điểm của xã là theo nguyện vọng của bà con, đề nghị công ty thanh lý cao su, trả lại đất cho dân.

Một vườn cây cao su khác trồng cùng thời điểm nhưng lại cho năng suất cao. Ảnh: LK.

Một vườn cây cao su khác trồng cùng thời điểm nhưng lại cho năng suất cao. Ảnh: LK.

Ông Ngô Văn Mân, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Kon Tum, xác nhận có tình trạng nhiều diện tích cao su liên kết của đơn vị không có khả năng khai thác mủ, trong đó có nông trường Tân Hưng, xã Ia Chim. Việc này công ty đã có họp dân và trả lời cho bà con biết.

“Cách đây hai năm, đơn vị đã làm tờ trình gửi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đề nghị cho thanh lý sớm diện tích kém hiệu quả, trả lại đất cho người dân. Nhưng do thủ tục phức tạp cần nhiều thời gian nên chậm, đến nay chưa giải quyết được”, ông Mân nói.

Theo ông Mân, hiện trên địa bàn xã Ia Chim, công ty có liên kết với 251 hộ dân trồng 255 ha cao su. Cụ thể, người dân góp đất, còn công ty đầu tư giống, phân bón, vật tư khác. Đến khi khai thác mủ, công ty trả cho người dân 49,03% mủ nguyên liệu tại vườn.

Riêng tại nông trường cao su Tân Hưng có khoảng 40 ha cao su liên kết đang gặp vấn đề về khai thác mủ. Trong đó, hơn 23 ha cây xấu không cho cạo mủ và có 17 ha đủ điều kiện nhưng do đồi dốc, nhỏ lẻ nên dân không muốn cạo.

Ông Mân cho rằng, việc người dân nói công ty không cho cạo mủ cao su hoặc không đầu tư khiến cây chậm phát triển là không đúng. Ngay từ đầu, có một số vị trí đất xấu, nhận định không có khả năng khai thác mủ nên đơn vị không tiếp tục đầu tư. Đồng thời cũng bố trí diện tích khác cho những hộ dân bị ảnh hưởng làm việc nhưng bà con không chịu, chỉ muốn trả đất.

Theo ông Mân, nguyên nhân khiến nhiều vị trí cây cao su không thể đưa vào khai thác là do đất xấu, đồi dốc. Lỗi này là do khách quan, bởi khi khảo sát vùng đất chỉ lấy mẫu số chung nên vẫn còn nhiều nơi chưa đảm bảo phát triển cây cao su. Trung bình, mỗi ha cao su công ty đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Việc này, không chỉ người dân lo, mà đơn vị cũng bị thua lỗ do chưa thu hồi vốn.

Liên quan vấn đề trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra theo phản ảnh của người dân. Qua đó, sở này xác định không có việc công ty không cho khai thác mủ cây cao su trồng từ năm 2008. Cụ thể, có khoảng hơn 23 ha không đủ điều kiện cạo mủ đã được đơn vị báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chờ hướng xử lý; còn lại hơn 20 ha khác do người dân ít cạo mủ hoặc bỏ cạo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…