Nghệ nhân đẽo mặt nạ độc, lạ ở Kon Tum

(PLO)-  Nghệ nhân A Yưk sáng tạo nên nhiều kiệt tác điêu khắc sống động khiến các lễ hội sôi động, linh thiêng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau nhiều lần hẹn, PV mới gặp được nghệ nhân A Yưk (57 tuổi, ngụ làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ông A Yưk bảo mấy hôm nay bận chăn bò, con cháu có việc nên ông phải đi thay.

Ông A Yưk có đôi tay tài hoa, tạo tác rất nhiều tượng, con rối, nhất là những chiếc mặt nạ người kỳ quái. Số tác phẩm mà ông tạo ra đến nay nhiều vô số, ông cũng không nhớ nổi.

Ông A Yưk với đôi tay tài hoa. Ảnh: LÊ KIẾN

Ông A Yưk với đôi tay tài hoa. Ảnh: LÊ KIẾN

Người thổi hồn cho gỗ

Ông A Yưk kể: “Cách đây hơn 20 năm, trong một chuyến đi giao lưu lễ hội ở huyện Chư Păh (Gia Lai), tôi thấy có nhiều tượng, mặt nạ đẹp, rất ưng bụng. Về nhà, tôi bắt chước làm theo. Việc làm ra chiếc mặt nạ cần phải suy nghĩ, khắc họa chân thật sao cho có hồn”.

Theo ông A Yưk, trước đây làng hay tổ chức các lễ hội nhưng không có mặt nạ. Bà con cảm thấy thiếu cái gì đó, không vui. Sau này, ông đưa mặt nạ do mình đẽo cho người dân hóa trang, các lễ hội bỗng náo nhiệt, khác lạ hơn hẳn.

Ông A Yưk với sản phẩm mặt nạ cười kỳ dị. Ảnh: LK

Ông A Yưk với sản phẩm mặt nạ cười kỳ dị. Ảnh: LK

Mặt nạ của ông A Yưk làm ra đủ kiểu: Mặt cười, buồn, khổ đau, phấn khởi, già trẻ, gái trai… đủ cả. Thường mặt nạ cho phụ nữ thon gọn, có phủ vải đen tượng trưng cho tóc và mặt nạ cho đàn ông có tô điểm thêm râu, khuôn mặt to rộng. Điểm đặc biệt dễ nhận ra trong các sản phẩm của ông là các khuôn mặt hết sức kỳ dị, hài hước. Thậm chí có nhiều cái khiến người ta nhìn vào đã sởn gai ốc.

Một trong những chiếc mặt nạ gỗ với hình thù kỳ quái của ông A Yưk. Ảnh: LÊ KIẾN

Một trong những chiếc mặt nạ gỗ với hình thù kỳ quái của ông A Yưk. Ảnh: LÊ KIẾN

“Nếu làm các mặt nạ mịn màng, sạch đẹp thì nó không coi là đẹp nữa. Một mặt nạ đẹp phải có biểu cảm, khuôn mặt xấu, kỳ dị mới được xem là đẹp. Như vậy, khi đưa vào các lễ hội, không khí mới vui tươi. Đeo mặt nạ kết hợp với áo khoác bằng rễ cây, lá chuối khô sẽ khiến người trình diễn thêm bắt mắt, thu hút” - ông A Yưk nói.

Những chiếc mặt nạ người xấu xí, kỳ quái với đủ các sắc thái cho ông A Yưk sáng tạo. Ảnh: LÊ KIẾN

Những chiếc mặt nạ người xấu xí, kỳ quái với đủ các sắc thái cho ông A Yưk sáng tạo. Ảnh: LÊ KIẾN

Ông A Yưk chia sẻ: Khi không có mặt nạ thì người diễn trong lễ hội vẫn còn tâm lý ngại. Nhưng khi đeo mặt nạ vào thì họ hòa mình, nhảy múa kiểu như họ hóa thân vào một người khác. Mặt nạ cũng được xem là kỷ niệm của một người lúc sống hoặc đã chết. Đeo mặt nạ trong ngày lễ hội là một phần không thể thiếu của người Tây Nguyên.

Đề xuất mở lớp học truyền nghề do ông A Yưk dạy

Ông A Yưk rất nổi tiếng trong việc chế tác nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là nghệ nhân. Hầu hết các dịp lễ hội tại địa phương đều nhờ ông A Yưk tham gia. Địa phương cũng lo việc này dần mai một nên có đề xuất Phòng Văn hóa mở các lớp học để truyền nghề.

UÔNG THỊ TRANG, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim

Khắp nẻo bôn ba và nỗi lo kế cận

Nói về đồ nghề, ông A Yưk mỉm cười: “Đồ nghề thật ra có gì hiếm lạ đâu. Từ đẽo tượng, làm con rối hay mặt nạ, tôi đều lấy rìu, rựa, đục, dao là đủ. Đi các nơi, thấy đồ nghề người ta hiện đại lắm, với mình như thế này là đủ rồi”.

Theo ông A Yưk, để tạo nên chiếc mặt nạ đẹp, phù hợp, đầu tiên là chất liệu gỗ nhẹ, không bị nứt nẻ. Ông hay chọn gỗ “cây dầu xer”. Trung bình mỗi ngày ông có thể làm ra ba cái mặt nạ. Sau khi thành hình, khâu cuối cùng là hơ trên lửa cho mặt nạ cháy sém để tạo hình kỳ dị, đẹp, bắt mắt.

Bên cạnh lễ Pơ thi, mặt nạ được mang trình diễn trong các lễ hội đường phố. Ảnh: LK

Bên cạnh lễ Pơ thi, mặt nạ được mang trình diễn trong các lễ hội đường phố. Ảnh: LK

Ông A Yưk khoe ông vừa được một đoàn nghệ thuật ở Hà Nội mời ra thủ đô một tuần để tạc tượng. Thỉnh thoảng ông cũng được các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng mời đi tạc tượng, đẽo mặt nạ, làm con rối và có thu nhập cũng kha khá. Bình thường ở nhà nếu không có người đặt hàng thì ông tự làm, bán cho du khách, người có nhu cầu, mỗi cái mặt nạ giá 90.000 đồng.

Ông A Yưk nói ông có sáu người con nhưng không ai chịu học nghề của ông. Thanh niên trong làng cũng rất lười học nghề này vì kỳ công nên ngày càng ít người biết đẽo, tạc tượng, làm mặt nạ người.

Ông A Byam, trưởng làng Klâu Ngo Zố, bày tỏ: “May làng còn già A Yưk biết làm mặt nạ, thế hệ trẻ sau này mới hiểu và biết đến. Nhờ có những chiếc mặt nạ này, các lễ hội ở làng cũng thêm đặc biệt, linh thiêng hơn”.

Người mang mặt nạ đại diện cho người ở thế giới bên kia

TS Nguyễn Thị Kim Vân, cựu Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, chia sẻ: Việc đeo mặt nạ phổ biến nhất là trong lễ Pơ thi (lễ bỏ mả). Người mang mặt nạ thường đại diện cho người ở thế giới bên kia về đón những thành viên mới sang thế giới khác.

Hiện nay, trong các lễ hội hay các dịp lễ ở TP cũng hay dùng mặt nạ nhưng chủ yếu mang tính trình diễn. Họ chỉ tái hiện một số phân đoạn hay trong các lễ hội gốc thời xưa. Việc dùng mặt nạ khiến cho không khí lễ hội thêm sôi động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm