Mục đích đào tạo liên thông, tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Trong đó, điều kiện đào tạo nghề liên thông trình độ trung cấp (TC), dự thảo quy định học viên phải có một trong ba điều kiện: Người có chứng chỉ sơ cấp và có bằng tốt nghiệp THCS trở lên; người đã tốt nghiệp TC có nhu cầu học liên thông sang ngành, nghề khác để có bằng tốt nghiệp TC thứ hai cùng nhóm ngành, nghề đào tạo; người có bằng tốt nghiệp TC nghề hoặc bằng tốt nghiệp TC chuyên nghiệp.
Đối tượng liên thông trình độ cao đẳng (CĐ): Người có bằng tốt nghiệp CĐ và bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; người có bằng tốt nghiệp TC và bằng tốt nghiệp THCS thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT; người đã tốt nghiệp CĐ có nhu cầu học liên thông sang ngành, nghề khác để có bằng tốt nghiệp CĐ thứ hai cùng nhóm ngành, nghề đào tạo; người có bằng tốt nghiệp CĐ nghề có nhu cầu học trình độ CĐ.
Sở LĐ-TB&XH sẽ có thẩm quyền quyết định liên thông hệ trung cấp. Ảnh: P.ĐIỀN
Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông đối với từng ngành, nghề ở từng cấp trình độ đào tạo nằm trong chỉ tiêu đào tạo đã được cấp phép trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của nhà trường.
Thời gian đào tạo liên thông được xác định trên cơ sở khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định cho từng chương trình, trình độ và phương thức tổ chức đào tạo.
Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào chương trình đào tạo liên thông, quy định thời gian đào tạo và công bố công khai đối với các đối tượng tuyển sinh theo đề nghị của Hội đồng đào tạo liên thông.
Về thẩm quyền quyết định đào tạo liên thông, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp-Bộ LĐ-TB&XH quyết định tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp đối với các trường CĐ và cơ sở giáo dục đại học có đẳng ký đào tạo trình độ CĐ.
Sở LĐ-TB&XH quyết định tổ chức đào tạo liên thông đối với các trường TC.
Điều kiện để các trường tổ chức đào tạo liên thông: Có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ TC, CĐ đối với những ngành, nghề đào tạo liên thông.
Có chỉ tiêu đào tạo liên thông nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Có hội đồng để xem xét và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và các khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học. Có chương trình đào tạo liên thông.
Trình tự, thủ tục đăng ký đào tạo liên thông: Đối với các trường CĐ, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ CĐ: Gửi một bộ hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Trong thời gian không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông hoặc trả lời bằng văn bản về chưa giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường.
Đối với các trường TC, gửi một bộ hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông về Sở LĐ-TB&XH nơi đặt trụ sở chính của trường.
Trong thời gian không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Sở LĐ-TB&XH xem xét quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông hoặc trả lời bằng văn bản về chưa giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường.