Một số ý kiến lo lắng nếu thí sinh (TS) bị liệt một trong ba môn tổ hợp thì có trượt tốt nghiệp không? Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, việc TS bị điểm liệt một trong ba môn nằm trong bài thi tổ hợp sẽ không ảnh hưởng, bởi việc chấm thi sẽ phải chấm tổng thể cả bài thi chứ không tính riêng một phần.
“Ví dụ trong bài thi tổ hợp có môn lý, hóa, sinh (với thang điểm 10), nếu TS bị liệt một môn chiếm 3 điểm trong bài thì TS vẫn còn 7 điểm ở hai môn còn lại. Người chấm sẽ xem tổng điểm của TS chứ không nhìn vào điểm liệt của một môn trong bài” - ông Nhĩ cho hay.
Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng lưu ý khi xét tuyển sinh ĐH, TS xét tuyển vào đúng môn bị điểm liệt thì có thể sẽ không được chọn.
Một lãnh đạo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho rằng đối với bài thi tổ hợp các môn KHTN và KHXH, trước đây khi đưa ra phương án dự thảo bài thi có 60 câu hỏi, thời gian làm bài là 90 phút. Tuy nhiên, trong phương án thi chính thức mới được công bố thì số câu hỏi tăng lên 120 câu, thời gian làm bài là 150 phút.
Bị điểm liệt một trong ba môn nằm trong bài thi tổ hợp sẽ không ảnh hưởng.
“Nhiều câu hỏi sẽ đánh giá được chất lượng học sinh tốt nhất nhưng các em làm bài sẽ căng thẳng nhiều hơn. Cần ra câu hỏi có nội dung ngắn, gọn để TS có thể làm bài hiệu quả, giảm được áp lực” - vị này nói.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết: "Việc lựa chọn phương án thi trắc nghiệm phù hợp với số lượng TS đông (khoảng 1 triệu người), để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và căn cứ xét tuyển vào ĐH".
Sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, giáo viên trực tiếp dạy, trong bài thi tổ hợp mỗi môn 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút là hợp lý, vừa sức.
Tương tự, bài thi ngoại ngữ từ 40 tăng lên 50 câu hỏi với thời gian thi là 60 phút. Sự điều chỉnh trên phù hợp với ma trận đề thi, được tính toán theo các cấp độ phù hợp với tình hình thực tế.
Trong lộ trình sắp tới, khi thay đổi sách giáo khoa mới, Bộ sẽ chuyển hóa từ tổ hợp thành tổng hợp và tích hợp. Ông Trinh khẳng định không thể có phương án thi trọn vẹn mà chỉ có phương án hợp lý và dần hoàn chỉnh.
Trước đó, chiều 28-9, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, các bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ, KHTN (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Trong số đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.