Liệu có dễ để EU đem tiền lãi từ tài sản Nga cho Ukraine?

(PLO)- Kế hoạch sử dụng lãi thu được từ tài sản Nga bị phong tỏa ở châu Âu để viện trợ cho Ukraine có thể giải quyết nhiều mối lo cho EU và Kiev nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 21-3, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về mặt nguyên tắc với kế hoạch sử dụng lãi thu được từ tài sản Nga bị phong tỏa ở châu Âu để viện trợ cho Ukraine, theo tờ The Guardian.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh gói viện trợ của Mỹ cho Kiev vẫn đang kẹt tại Quốc hội, kho vũ khí của châu Âu đang suy giảm, còn Ukraine thì trong tình cảnh thiếu đạn pháo nghiêm trọng trên chiến trường.

Kế hoạch đem lãi từ tài sản Nga sang Ukraine

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quốc gia phương Tây đã đóng băng hơn 330 tỉ USD tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga. Phần lớn trong số tiền này - khoảng 217 tỉ USD - đang ở các nước EU.

Nếu EU triển khai kế hoạch, mỗi năm Ukraine có thể nhận 2,5-3 tỉ euro (2,7-3,3 tỉ USD) tiền lợi nhuận phát sinh từ tài sản Nga tùy thuộc vào lãi suất toàn cầu. Theo kế hoạch của EU, 90% số tiền sẽ được chuyển đến Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để mua vũ khí cho Ukraine, 10% còn lại sử dụng cho mục đích tái thiết. Ngoài số tiền trên, Ukraine cũng sẽ nhận được khoản thuế 25% hằng năm mà Bỉ đánh vào các khoản lợi nhuận từ tài sản Nga, dự kiến ​​sẽ lên tới 1,7 tỉ euro (1,84 tỉ USD) trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) tại thượng đỉnh EU ở thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 21-3. Ảnh: REUTERS

Theo dự tính, Kiev có thể nhận được khoản tiền đầu tiên vào tháng 7 năm nay. Về lâu dài, các quan chức EU cho biết một phần nhỏ trong số tiền lãi sẽ được giữ lại để ứng phó rủi ro pháp lý nếu Nga có phản ứng, theo tờ The New York Times.

“Tôi rất vui vì các nhà lãnh đạo đã tán thành đề xuất của chúng tôi về việc sử dụng nguồn thu từ tài sản cố định của Nga. Điều này sẽ cung cấp tài chính cho thiết bị quân sự của Ukraine” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với phóng viên sau hội nghị.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng hoan nghênh kế hoạch của EU. “Đó là một đề xuất hay. Ý tưởng phân bổ số tiền chủ yếu vào việc mua vũ khí là hoàn toàn hợp lý” - ông De Croo nói với hãng tin Reuters.

Về phía Ukraine, phát biểu trước 27 nhà lãnh đạo EU qua liên kết video, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng tình trạng thiếu hụt đạn dược mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt là “sự bẽ mặt” đối với châu Âu. “Châu Âu có thể cung cấp nhiều hơn và điều quan trọng là phải làm điều đó ngay bây giờ” - ông Zelensky nhấn mạnh.

Trong khi đó, kế hoạch của EU đã khiến Nga nổi giận và tuyên bố sẽ đáp trả. Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi kế hoạch này là “cướp bóc và trộm cắp trắng trợn”.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng kế hoạch này “hướng tới phá hủy nền tảng pháp lý của luật pháp châu Âu và quốc tế”, đồng thời cảnh báo các cá nhân và quốc gia ủng hộ quyết định này “sẽ bị truy tố pháp lý trong nhiều thập niên tới”.

Tiềm ẩn rủi ro về pháp lý và tài chính

Dù kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga chuyển cho Ukraine có vẻ khá hợp lý và hấp dẫn đối với châu Âu nhưng trên thực tế, việc dùng đến số tiền “trời cho” này gây tranh cãi và tiềm ẩn nhiều rắc rối.

Về mặt pháp lý, để sử dụng khoản tiền lãi, EU có thể giải thích rằng số tiền này là khoản bồi thường chiến phí mà Moscow cần phải trả cho Kiev vì đã phát động cuộc chiến, ông Anton Moiseienko, chuyên gia luật quốc tế tại ĐH Quốc gia Úc, nói với tờ Al Jazeera.

Kế hoạch sử dụng lãi từ tài sản của Nga tái thiết Ukraine là kết quả của nhiều tháng tranh luận. Phiên bản trước đó của kế hoạch này đã bị hoãn hai lần trong năm 2023 do những bất đồng giữa các thành viên EU và những lo ngại của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Theo ông Moiseienko, “những gì chúng ta thấy ở đây là một khoản nợ đã được công nhận. Nga nợ Ukraine các khoản bồi thường. Việc tách lợi nhuận khỏi tài sản Nga khiến số tiền có thể được gửi đến Ukraine”.

Đồng quan điểm, ông Dapo Akande, GS công pháp quốc tế tại ĐH Oxford (Anh), cho rằng mặc dù các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng tài sản của các quốc gia khác nhưng luật pháp quốc tế cũng có một ngoại lệ được gọi là các biện pháp đối phó, cho phép một bên thực hiện hành động trái pháp luật để ứng phó hành động trái pháp luật trước đó của bên khác.

Tuy nhiên, GS Akande nêu vấn đề rằng liệu các quốc gia “không phải là nạn nhân trực tiếp của hành vi vi phạm” có quyền hành động hay không. Vị chuyên gia cảnh báo rằng nếu EU hành động thay mặt Ukraine, EU sẽ “phá vỡ nền tảng pháp lý” và có thể sẽ đuối lý trước Nga khi ra tòa.

Reuters hôm 21-3 dẫn các nguồn tin rằng một số ngân hàng ở châu Âu đã bắt đầu vận động hành lang để chống lại kế hoạch của EU liên quan số tiền lãi từ tài sản Nga. Các ngân hàng lo ngại về nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nga nếu họ thực hiện giao dịch chuyển tiền sang Ukraine, dù chỉ là giao dịch thông thường.

Rủi ro tiếp theo mà EU có thể phải đối mặt là nguy cơ bị Nga trả đũa. Hôm 29-12-2023, Nga cho biết đã có danh sách các tài sản của phương Tây mà Moscow có thể tịch thu. Tháng trước, hãng tin RIA Novosti trích dẫn dữ liệu cho thấy đầu tư trực tiếp của EU, G7, Úc và Thụy Sĩ vào Nga đến cuối năm 2022 là 288 tỉ USD. RIA Novosti không cho biết con số này đã trừ các công ty thoái vốn khỏi Nga hay chưa.

Bên cạnh đó, mối lo ngại lớn hơn đối với EU là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi châu Âu do lo ngại. Ngoài ra, kế hoạch tịch thu lợi nhuận của Nga cũng có thể làm suy yếu đồng euro.

“Đồng euro là đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới và chúng ta phải xem xét danh tiếng lâu dài của nó” - Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos nói hồi cuối năm ngoái.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Fabio Panetta tháng trước cũng cảnh báo rằng “việc vũ khí hóa một loại tiền tệ chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của nó và khuyến khích người ta tìm kiếm các lựa chọn thay thế”.•

EU đề xuất tăng thuế với ngũ cốc của Nga, Belarus

Cũng tại thượng đỉnh EU hôm 21-3, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tăng thuế đối với ngũ cốc của Nga và Belarus để bảo vệ nông dân châu Âu, theo Reuters.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết động thái này sẽ ngăn Nga gây bất ổn cho thị trường EU thông qua việc nhập khẩu ngũ cốc, hạt có dầu và các sản phẩm khác.

“Việc này sẽ ngăn Nga sử dụng doanh thu từ việc xuất khẩu những hàng hóa này sang EU và sẽ đảm bảo rằng ngũ cốc bất hợp pháp mà Nga đánh cắp từ Ukraine sẽ không vào thị trường EU” - bà Leyen nói.

Bà Leyen không nêu chi tiết về mức thuế mà EC dự kiến sẽ áp đặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới