Liệu Trung Quốc có xây thêm một căn cứ quân sự ở châu Phi?

(PLO)- Một căn cứ quân sự mới ở châu Phi sẽ phù hợp với tham vọng quyền lực toàn cầu của Bắc Kinh, song câu hỏi liệu Trung Quốc có lên kế hoạch thực hiện điều này hay không vẫn đang bị bỏ ngỏ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ South China Morning Post, Mỹ vẫn không tin tưởng những phủ nhận của Trung Quốc (TQ) về khả năng Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự ở bờ biển Đại Tây Dương hoặc Ấn Độ Dương của châu Phi.

Theo đó, giới quan sát lưu ý rằng các lập luận mà Bắc Kinh đưa ra giống hệt sự việc ở Cộng hòa Djibouti. Trước đó, TQ cũng liên tục phủ nhận việc xây dựng căn cứ ở Djibouti, nhưng vào năm 2016, nước này đã chính thức khởi công một căn cứ như vậy.

Washington đã cảnh báo rằng một căn cứ hải quân mới của quân đội Trung Quốc ở châu Phi "sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ", mà khu vực đặc biệt lo ngại là ở hai nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo và Cộng hòa Namibia.

TQ tham vọng biến quân đội thành lực lượng toàn cầu

Các công ty vận tải quốc doanh của TQ đã xây dựng, cấp vốn hoặc đang vận hành các cảng chính trên bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi, bao gồm Angola, Nigeria, Namibia và Guinea Xích Đạo.

Theo ông Paul Nantulya - chuyên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi thuộc ĐH Quốc phòng Washington (Mỹ), các tàu quân sự lớn TQ có thể sẽ neo đậu ở 4 cảng miền đông châu Phi, bao gồm cảng Mombasa ở Kenya, cảng Dar es Salaam ở Tanzania, cảng Victoria ở Seychelles, và căn cứ Djibouti tại cảng Doraleh, gần lối vào biển Đỏ.

Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc được mở vào năm 2017 tại Djibouti. Ảnh: AFP

Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc được mở vào năm 2017 tại Djibouti. Ảnh: AFP

Ông Nantulya cho biết TQ có 2.000 binh sĩ đóng thường trực tại căn cứ Djibouti và “đã xây xong một bến tàu có thể chứa tàu sân bay, cho phép TQ tăng cường sức mạnh ra ngoài Tây Thái Bình Dương”.

TQ đặt mục tiêu biến quân đội của mình thành một lực lượng toàn cầu, có khả năng bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh trên toàn thế giới trước năm 2030, với tham vọng xa hơn là biến quân đội của họ thành một “quân đội đẳng cấp thế giới” trước năm 2049.

Theo ông Nantulya, các tài liệu về quân đội TQ cho thấy họ sẽ “không thể đạt được mục tiêu nào trong số này nếu không cải thiện khả năng phô diễn sức mạnh của TQ, bao gồm thiết lập ‘điểm mạnh chiến lược hàng hải’ - cụ thể là các cơ sở hậu cần quân sự, hoặc nói đơn giản hơn là thiết lập các căn cứ quân sự”.

Ông Nantulya cho biết TQ có hơn 10.000 công ty ở châu Phi, trong đó có khoảng 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp nhà nước. Với các khoản đầu tư ngày càng tăng của TQ và các thỏa thuận hợp tác quân sự, Bắc Kinh có thể thiết lập nhiều căn cứ hơn trên lục địa này trong vòng 7 đến 15 năm tới, ông nói.

Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Nguyên - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và châu Phi thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (TQ) - nói rằng theo như những gì ông trao đổi với một số quan chức TQ, có vẻ như Bắc Kinh “không có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự mới”.

Ông Chu nói rằng trong khi chủ đề này được bàn luận sôi nổi ở Mỹ, thì phía TQ lại ít khi đề cập và dường như không có hứng thú với việc thiết lập một căn cứ quân sự mới.

Theo ông Chu, căn cứ quân sự của TQ ở Djibouti “chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhu cầu thương mại và an ninh con người, đặc biệt là cung cấp hỗ trợ hàng hải vùng vịnh Aden, sơ tán và bảo vệ người dân trong trường hợp tình hình các nước láng giềng chuyển biến xấu”.

Cuộc chơi có "tổng bằng không” giữa hai nước lớn ở châu Phi

Vào tháng 3, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi - Tướng Stephen Townsend cho biết điều ông lo lắng nhất là việc TQ có thể thiết lập một căn cứ quân sự nằm trên bờ biển Đại Tây Dương, và nơi có khả năng cao nhất là Guinea Xích Đạo.

Ông Benjamin Barton - chuyên gia ĐH Nottingham cơ sở Malaysia - cho biết viễn cảnh TQ xây dựng một căn cứ khác đã làm dấy lên lo ngại trong giới chính sách, chủ yếu ở Mỹ và Ấn Độ, cũng như một số quốc gia phương Tây khác.

Ông nói: “Bất kể ban lãnh đạo TQ cố gắng hợp lý hóa sự cần thiết của một căn cứ mới như thế nào, điều đó vẫn bị xem là hành động bôi nhọ trật tự thế giới hiện tại”.

Theo ông Barton, TQ được cho là đang đối đầu với Mỹ trong cuộc đua xây dựng căn cứ quân sự trên khắp thế giới, kể cả ở những quốc gia mà căn cứ của Mỹ có thể không được chào đón.

Tuy nhiên, sự e ngại có phần “hơi quá” khi Washington có tới hơn 800 căn cứ trên toàn thế giới trong khi TQ chỉ có một căn cứ, ông Barton nói.

Ông nói thêm rằng các cuộc tranh luận về vấn đề này đã phơi bày sự thật rằng Mỹ, mặc dù có ưu thế toàn cầu, vẫn không thể ngăn các quốc gia xem xét ý tưởng về một căn cứ của TQ.

Ông nói rằng Mỹ đã thành công trong việc vận động Tổng thống Djibouti - ông Ismail Omar Guelleh ngăn cản việc thiết lập căn cứ của Nga, song lại không thể ngăn TQ làm điều này dù ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông John Kerry đã đích thân đến thăm ông Guelleh.

Trong trường hợp của Guinea Xích Đạo và khả năng Bắc Kinh thiết lập một căn cứ tại Namibia, ông Barton cho biết có nhiều lo ngại về sự hiện diện của TQ ở Đại Tây Dương.

Ông nói rằng khi thiết lập căn cứ quân sự tiếp theo, TQ có khả năng sẽ chọn làm việc với các đối tác tiềm năng được xếp hạng cao trong hệ thống cấp bậc ngoại giao chiến lược của mình.

Theo ông Nantulya, TQ đã sử dụng "cách tiếp cận an ninh kết hợp" và "chiến lược phân bổ", trong đó việc tăng cường can dự về mặt quân sự được kết hợp với các vấn đề tài chính, thương mại, kinh tế và các mối quan tâm khác.

Ông John Calabrese - Giám đốc Dự án Trung Đông - châu Á tại ĐH America (Mỹ) - cho biết một căn cứ khác của TQ ở châu Phi có thể chứng minh rằng “Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến lược lớn, sử dụng các nguồn lực kinh tế của mình để đẩy mạnh xây dựng các cơ sở quân sự, tạo điều kiện thiết lập một trật tự thế giới mới do TQ lãnh đạo”.

Ông nói thêm rằng bất kỳ căn cứ mới nào của TQ đều “có thể đóng vai trò nền tảng để thách thức Mỹ ở Đại Tây Dương”.

Bà Lina Benabdallah - chuyên gia về quan hệ TQ-châu Phi tại ĐH Wake Forest (Mỹ) - cho biết Mỹ quan ngại về nguy cơ TQ xây dựng căn cứ mới ở châu Phi là do sự can dự của TQ ở châu lục này được nhìn nhận thông qua lăng kính “tổng bằng không” liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ (tức là chỉ có 1 bên được lợi, bên kia sẽ bị thiệt hại).

“Đây là lý do khiến việc mở rộng ảnh hưởng của TQ ở châu Phi được coi là thách thức đối với quyền lực của Mỹ” - bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm