Hôm 30-5, một chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại khó có thể trở thành đại dịch toàn cầu như COVID-19, hãng Reuters đưa tin.
Khi được hỏi liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở thời điểm hiện tại có khả năng lan rộng thành đại dịch hay không, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ - bà Rosamund Lewis bác bỏ khả năng này.
"Chúng tôi không biết rõ nhưng tình hình có thể sẽ không trở nên tồi tệ như vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về một đại dịch toàn cầu” - bà Lewis trả lời.
Theo WHO, đã có hơn 300 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ trên thế giới trong tháng 5, hầu hết là tại châu Âu.
Cơ quan y tế thế giới đang xem xét liệu đợt bùng phát này có nên được đánh giá ở mức độ "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC)” hay không.
WHO đã từng đưa ra mức độ đánh giá như vậy đối với COVID-19 và Ebola, động thái này giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ của các nước để ngăn chặn dịch bệnh.
Các ống nghiệm có nhãn "dương tính với virus đậu mùa khỉ" được chụp vào ngày 22-5. Ảnh: REUTERS |
“Sau khi mắc bệnh đậu mùa khỉ, thời gian phát ban và đóng vảy được coi là thời kỳ bệnh dễ lây nhiễm nhất, song hiện có rất ít thông tin về việc liệu những người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng có khả năng lây lan virus hay không” - bà Lewis cho biết.
Theo bà, tất cả ca mắc bệnh đậu mùa khỉ từ trước đến giờ cho thấy những người không có triệu chứng không thể lây virus, tuy nhiên điều này còn cần phải được xác định kỹ hơn.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ cho hay chủng virus liên quan đến đợt bùng phát hiện tại có một phần nhỏ khả năng gây nguy hiểm tính mạng đối với những người bị nhiễm bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Bên cạnh đó, việc hầu hết ca nhiễm không xuất hiện tại các khu vực thường thấy của bệnh là Trung và Tây Phi và hầu như cũng không liên quan đến việc đi lại cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Do đó, các chuyên gia của WHO đang cố gắng xác minh nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bất thường của những ca bệnh ở những quốc gia không thuộc vùng lưu hành bệnh, trong khi một số cơ quan y tế trên thế giới đang nghi ngờ có sự lây nhiễm cộng đồng ở một mức độ nào đó.
Một số quốc gia đã bắt đầu cung cấp vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho những trường hợp tiếp xúc gần với những ca bệnh được xác nhận.
Đậu mùa khỉ được cho là có liên quan đến bệnh đậu mùa nhưng triệu chứng nhẹ hơn. Bệnh đậu mùa được tuyên bố bị xóa sổ vào năm 1980 và việc ngừng tiêm ngừa đại trà được cho có thể là yếu tố giúp đậu mùa khỉ lây lan.