Đậu mùa khỉ lây nhanh nhưng khó thành đại dịch

(PLO)- Số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tăng nhanh trên toàn cầu, song giới chuyên gia trấn an rằng căn bệnh này không đáng lo ngại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, nhiều quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng cường giám sát về virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Vốn là một căn bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ khu vực Trung Phi và Tây Phi nhiều năm qua, đậu mùa khỉ trong những tuần qua bất ngờ lan rộng sang các khu vực khác, chưa rõ nguyên nhân.

Đậu mùa khỉ lan rộng trên nhiều khu vực

Theo hãng tin Reuters, thống kê của WHO cho thấy thế giới đã ghi nhận hơn 300 ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi nhiễm ở ít nhất 20 quốc gia. Đáng chú ý, hầu hết ca bệnh hiện nay là ở châu Âu chứ không phải ở khu vực Tây và Trung Phi. Hiện thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ, song giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc số ca nhiễm gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh.

Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP.HCM ngày 26-5 cho hay cơ quan này đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TP (HCDC) có kịch bản xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện Việt Nam chưa phát hiện ca nào nhiễm bệnh này.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang là hai quốc gia ghi nhận đợt bùng phát lớn nhất trong khối Liên minh châu Âu (EU) khi có hơn 50 ca nhiễm. Trong khi đó, Bỉ tuần trước đã trở thành quốc gia duy nhất tuyên bố bắt buộc cách ly 21 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh dù chỉ mới phát hiện bốn ca nhiễm.

Ở Anh, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết nước này đã phát hiện ít nhất 90 ca nhiễm. “Những ca nhiễm mới nhất này, cùng với các ca nhiễm được phát hiện trên khắp châu Âu, khẳng định những lo ngại ban đầu của chúng tôi rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan trong cộng đồng” - bà Susan Hopkins, cố vấn y tế trưởng tại UKHSA, cho biết.

Một chuyên gia y tế kiểm tra các mẫu bệnh phẩm nghi chứa virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở TP Munich, Đức hôm 24-5. Ảnh: REUTERS

Một chuyên gia y tế kiểm tra các mẫu bệnh phẩm nghi chứa virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở TP Munich, Đức hôm 24-5. Ảnh: REUTERS

Tại khu vực Bắc Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ghi nhận ít nhất 10 ca bệnh tại bảy bang của nước này. Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết một số bệnh nhân tại Mỹ thậm chí chưa đi tới các quốc gia đang xuất hiện đợt bùng phát đậu mùa khỉ, do đó bà cho rằng có thể virus gây bệnh đang lây lan trong nước. Bà Walensky cũng thông báo CDC đang truy vết và nỗ lực phá vỡ chuỗi lây nhiễm tại Mỹ.

Các nhà chức trách y tế tại châu Âu, Anh và Mỹ cho biết phần lớn người bệnh là người đồng tính nam hoặc lưỡng tính; trong nhiều trường hợp, virus lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho bất kỳ ai thông qua tiếp xúc gần bất kể khuynh hướng tính dục. Bà Walensky khẳng định điều quan trọng là ngay lúc này phải nâng cao nhận thức về những người phải đối mặt với nguy cơ cao mắc căn bệnh này mà không kỳ thị bất cứ ai.

Chuyên gia kêu gọi bình tĩnh

Tuy lây lan nhanh nhưng giới chuyên gia đa phần vẫn cho rằng đậu mùa khỉ trên toàn cầu vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đơn cử, quan chức phụ trách lĩnh vực kiểm soát nguy cơ lây nhiễm toàn cầu của WHO - TS Sylvie Briand cho rằng nếu áp dụng các biện pháp phù hợp ở thời điểm hiện tại, thế giới có cơ hội kiểm soát thành công bệnh đậu mùa khỉ. “Người dân không nên lo lắng vì virus gây bệnh đậu mùa khỉ có tốc độ lây truyền chậm hơn nhiều so với các loại virus khác như SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19” - hãng tin Al Jazeera dẫn lời bà Briand.

Một tiếng nói khác từ WHO là TS Rosamund Lewis, trưởng bộ phận phòng bệnh đậu mùa, cũng cho rằng lúc này chưa cần tiến hành tiêm phòng trên quy mô lớn ở các nước nhưng cần tập trung vaccine cho những người tiếp xúc gần các ca nhiễm. Bà Lewis cho rằng việc điều tra các ca nhiễm, truy vết và cách ly tại nhà hiện vẫn được xem là những biện pháp tốt nhất.

Trả lời phỏng vấn của đài NPR, chuyên gia dịch bệnh Jo Walker thuộc ĐH Yale (Mỹ) cũng có nhận định tương đồng là dù số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ gia tăng trong thời gian gần đây là đáng báo động, song virus gây bệnh này ít lây lan hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2.

Ông cho biết từ khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện, phần lớn các dự báo cho rằng hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) của căn bệnh này là chưa tới 1. Điều này có nghĩa là có thể xuất hiện những ổ dịch, thậm chí bùng phát thành dịch bệnh, song bệnh cuối cùng có thể tự biến mất. Đây là lý do giới chức y tế công cộng, trong đó có WHO, tin rằng số ca nhiễm đậu mùa khỉ sẽ không tăng quá nhanh trong thời gian tới cùng khả năng tự kết thúc sớm.•

EU gấp rút mua vaccine chống virus gây đậu mùa khỉ

Trả lời hãng tin AFP hôm 27-5, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) thuộc EU Stefan De Keersmaecker cho biết lãnh đạo 27 quốc gia thành viên đã nhất trí ủy thác Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) đứng ra đàm phán với các hãng dược để mua vaccine chống virus gây đậu mùa khỉ và thuốc đặc trị. Theo đó, HERA dự kiến sẽ mua vaccine Imvanex của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Na Uy) và thuốc điều trị Tecovirimat của Công ty công nghệ Siga Technologies (Mỹ). Dự kiến hợp đồng mua vaccine sẽ được ký trong tuần tới và việc giao hàng sẽ diễn ra trong tháng 6.

Về quy trình phân phát vaccine cho người dân, ông De Keersmaecker cho biết vaccine sẽ chỉ giới hạn cho những trường hợp rất cụ thể vì khả năng lây truyền và nguy cơ từ virus gây bệnh này không thể so sánh được với COVID-19.

Ngoài EU, Mỹ là bên thứ hai đề cập công khai việc triển khai vaccine cho loại bệnh này. Hãng tin Reuters mới đây dẫn thông báo từ CDC cho biết các quan chức y tế Mỹ đang phân phối vaccine Imvanex của Bavarian Nordic. CDC cũng cho biết đang có hơn 1.000 liều vaccine Jynneos trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến ​sẽ nhanh chóng tăng số lượng vaccine lên trong những tuần tới để đối phó với nguy cơ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm