Trong khuôn khổ chương trình “Ngày Không Tiền Mặt 2021” diễn ra sáng 19-11 do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua, NHNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ.
Theo bà Hồng, những nỗ lực đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể là thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm (tăng tới 90% về số lượng và 150% về giá trị); nhiều ngân hàng (NH) đạt trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
COVID-19 thổi bùng thanh toán không tiền mặt
Liên quan đến việc chuyển đổi số NH, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết có tới 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Hiện có khoảng 80 NH triển khai dịch vụ Internet banking, 44 NH cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR, gần 298.000 POS.
Theo số liệu 9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020, thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.
Thanh toán hoá đơn, mua sắm siêu thị và du lịch quốc tế thuộc 3 lĩnh vực sẽ chỉ sử dụng phương thức TTKTM.
Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon CO-OP, cho biết trước đại dịch chỉ có 4% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt (TTKTM). Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra dịch bệnh thì tỉ lệ TTKTM tăng 40 đến 50% nhưng khi dịch đi qua thì tỉ lệ này chỉ còn khoảng 5%.
"Khảo sát hành vi của khách hàng trong hệ thống Saigon CO-OP cho thấy có tới 28% khách hàng đánh giá việc TTKTM chưa thực sự tiện lợi, 14% băn khoăn tăng chi phí, 27% băn khoăn không an toàn"- ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, hiện nay ở hệ thống Saigon CO-OP đang áp dụng rất nhiều công cụ TTKTM nhưng để thay đổi thói quen thanh toán của người dân thì vẫn cần có chính sách kích cầu như là giảm phí thanh toán, thuế liên quan đến khấu trừ đầu ra/vào.
Bên cạnh đó, cũng cần quy hoạch mở POS, tăng số điểm chấp nhận thanh toán rộng hơn, sử dụng công cụ mới như mobile money, ngân hàng ảo và sự tập trung, đồng bộ trong chính sách cũng sẽ tạo nên xu thế, tạo nên sự thay đổi trong thói quen thanh toán của người dân.
Nhận định về thói quen thanh toán của người dân trong và sau đại dịch, ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán VISA Việt Nam cho biết: “Tỉ trọng TTKTM sẽ ngày càng tăng cao. Trong đó, thanh toán hoá đơn, mua sắm siêu thị và du lịch quốc tế thuộc 3 lĩnh vực sẽ chỉ còn sử dụng phương thức TTKTM”.
Nhóm giải pháp thúc đẩy TTKTM
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKTM thông qua nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ...
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn