Theo dự thảo thi và tuyển sinh năm 2017 của Bộ GD&ĐT, các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia sẽ tham gia chung một phần mềm xét tuyển.
Nhiều phần mềm sẽ cồng kềnh
TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng dự thảo thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT có đề xuất các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia tham gia chung một phần mềm xét tuyển là rất khiên cưỡng, thay vì khuyến khích các trường tự chủ trong xét tuyển.
“Thực tế, Bộ luôn khuyến khích các trường tự chủ, lẽ ra nên để các trường tự tính toán theo phương án xét tuyển. Trong trường hợp phần mềm của Bộ tốt, lọc ảo cao, nếu các trường cảm thấy phần mềm này thuận lợi thì họ đề xuất tham gia. Ngoài ra, các trường đã có phần mềm riêng lại buộc sử dụng phần mềm chung sẽ thêm cồng kềnh và không thống nhất” - ông Quang nói.
Theo ông Quang, Bộ chỉ nên phân loại, chỉ đạo công tác xét tuyển thay vì can thiệp sâu vào công tác xét tuyển. Vì thực tế, khi đã công nhận kết quả thi THPT thì thí sinh hoàn toàn có quyền đăng ký xét tuyển bất cứ trường, ngành nào mà mình cảm thấy phù hợp. Chưa kể các công đoạn xét tuyển khá phức tạp, tính toán chi ly để đảm bảo chỉ tiêu.
Các trường ĐH tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh năm 2016. Ảnh: PĐ
Ngành năng khiếu không thể dùng chung
Cùng quan điểm, ThS Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc yêu cầu các trường tham gia chung một phần mềm là không nên mà nên để các trường tự giải quyết, sau đó Bộ hậu kiểm sẽ hợp lý hơn.
Theo ông Đương, chỉ tiêu Bộ đưa ra để các trường tiếp nhận hồ sơ xét tuyển là không khả thi, không cách gì lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh các ngành. Với các ngành nhu cầu xã hội cần, thí sinh thích học sẽ nhanh chóng đảm bảo chỉ tiêu. Ngược lại, những ngành thí sinh không thích nhưng xã hội vẫn cần sẽ rất khó đảm bảo chỉ tiêu. Thậm chí có ngành chỉ đáp ứng 40% chỉ tiêu nhưng trường vẫn chấp nhận duy trì các ngành này.
“Nên tóm lại khi các trường tham gia chung phần mềm vừa cồng kềnh, tình trạng ảo phức tạp hơn và không giải quyết được việc cân đối chỉ tiêu của các trường, làm sao gọi thí sinh không bị hụt và không bị dư” - ông Đương giải thích.
PGS-TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế), cho rằng mục tiêu Bộ đưa ra có thể để hạn chế tình trạng ảo, tuy nhiên với các ngành đặc thù, các trường cần phải tính toán thêm phương án thay vì dùng chung một phần mềm.
Không nên can thiệp sâu PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng kết quả thi THPT là của thí sinh và xã hội, Bộ không thể độc quyền đưa vào “rọ” để yêu cầu các trường sử dụng chung phần mềm xét tuyển. Kinh nghiệm 10 năm làm tuyển sinh cho thấy việc xét tuyển phải có sự can thiệp của đầu óc con người để phân tích, tính toán. Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nên gọi như thế nào để đảm bảo chỉ tiêu. Trong đó có việc đánh giá tỉ lệ dữ liệu ba năm tuyển sinh liền kề của nhà trường và các trường khác, khảo sát kết quả việc làm của sinh viên ra trường như thế nào để khi gọi thí sinh vào các ngành không hụt và không dư chỉ tiêu. Vì thực tế cho thấy có ngành nhu cầu xã hội cao, chỉ cần gọi một lần là đủ, ngược lại có những ngành gọi vài trăm chỉ có vài chục em theo học. “Hiện nguồn thu từ học phí đáp ứng 70% các chi phí tiền lương, chi thường xuyên, nếu tuyển sinh hụt các hoạt động của trường bị đảo lộn, vì lẽ đó Bộ không nên can thiệp sâu vào hoạt động xét tuyển của các trường” - ông Dũng kiến nghị. Theo dự thảo quy chế thi và tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký tối đa 10 nguyện vọng, đăng ký vào năm trường, mỗi trường hai ngành/nhóm ngành. Tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có hai đợt xét tuyển chính và đợt xét tuyển bổ sung. Quy trình xét tuyển dựa vào phần mềm do Bộ quản lý. |