Lo nguy cơ lạm phát, đua nhau bỏ tiền vào đất

Thông tin giá nhà, đất không ngừng tăng, cộng thêm tâm lý lo ngại nguy cơ lạm phát cao đang khiến nhiều nhà đầu tư dồn tiền vào kênh trú ẩn an toàn là bất động sản (BĐS).

Rủ nhau mua đất tỉnh lẻ

Với lý do lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng thấp, lo ngại lạm phát trong năm tới nên ông Tiến Thành (TP Thủ Đức) và những người bạn của mình rủ nhau gom tiền đi đầu tư đất ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo ông Thành, đất đai ngày càng khan hiếm, trong khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gửi ngân hàng chỉ là giải pháp tình thế nên ông quyết định rút tiền để mua đất. “Mình mua để đó, có lạm phát cũng không ảnh hưởng. Hơn nữa giá nhà, đất tăng theo năm, mỗi năm một giá khác, kiểu gì cũng lợi hơn” - ông Thành lạc quan nói.

Là dân đầu tư chứng khoán lâu năm nhưng ông Đức Khánh (quận 1, TP.HCM) quyết định rút tiền chuyển hẳn sang đầu tư BĐS vào thời điểm cuối năm. Ông Khánh cho biết đã thấy rõ dù dịch bệnh thì BĐS vẫn không hề mất giá dù là phân khúc nào đi nữa. Đất nền, đất vườn có thể làm dự án du lịch, nghỉ dưỡng nên ông Khánh đã đi khảo sát đất ở Lâm Đồng, dự kiến sẽ chồng tiền trong tuần tới.

“Tôi chú trọng đầu tư ở những khu vực mà các dự án hạ tầng phát triển mạnh và có nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp được triển khai” - ông Khánh chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Quốc, đại diện một sàn giao dịch BĐS TP.HCM, cho biết hiện nay không chỉ các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai thu hút khách đi xem mà ở những khu vực xa hơn như Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre hay Bảo Lộc, Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng), Đắk Lắk… đều có khách quan tâm.

Tuy nhiên, ông Quốc cho biết giao dịch thành công vẫn chưa nhiều, đa phần khách đi khảo sát giá, săn đất chứ chưa quyết định xuống tiền ngay. Ông dự báo vài tháng tới lượng giao dịch sẽ sôi động hơn khi lượng hàng chào bán với giá tốt nhiều hơn.

Nhà đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào bất động sản ở các tỉnh, thành.
Ảnh: MINH LONG

Nguy cơ bong bóng có thể xảy ra

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho biết chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ không cao, chỉ dưới 2%. Con số này tương đối thấp so với nhiều năm gần đây. Trong khi đó, lạm phát chung của nhiều nước trên thế giới trong năm nay rất cao, như Mỹ lạm phát 10 tháng đầu năm đã hơn 6%.

Lạm phát liên quan đến nhiều vấn đề của nền kinh tế như vòng luân chuyển vốn, khả năng tiêu dùng của người dân... Theo ông Thịnh, năm 2022, mức độ lạm phát cũng không cao, chỉ nằm ở mức khoảng 4%.

Trước làn sóng bỏ tiền vào BĐS vì lo ngại lạm phát, ông Thịnh đánh giá là động thái nguy hiểm, lãng phí, rất dễ tạo ra bong bóng, gây nên những xáo trộn lớn trong lĩnh vực BĐS nói riêng và hoạt động sử dụng vốn nói chung. “Từ đó có thể gây hậu quả rủi ro cho nhà đầu tư, xảy ra những cú sốc vỡ nợ BĐS, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế khi thiếu hụt dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh vì phần lớn đã chôn trong BĐS” - ông Thịnh nói.

Ở góc nhìn khác, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng làn sóng nhà đầu tư đổ tiền vào BĐS do yếu tố thị trường quyết định. Họ thấy có lợi thì đầu tư, không đáng lo ngại. Điều đáng lo là phải bắt đầu kiểm soát vốn tín dụng ngân hàng thông qua việc thanh tra phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, nhiều nhất là khối doanh nghiệp BĐS. Có dấu hiệu một số ngân hàng lách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tín dụng đổ vào BĐS.

Trong năm 2021 đã xuất hiện một lượng lớn trái phiếu được các doanh nghiệp BĐS phát hành và người mua lại chủ yếu là ngân hàng. Điều này tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống tín dụng. Vì vậy, Bộ Tài chính quyết định siết chặt hơn nữa, Chính phủ có thể thanh tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, đây sẽ là giải pháp quan trọng kiểm soát tốt tín dụng.

Nhà đầu tư bỏ tiền vào BĐS hiện nay đều có khả năng tự nhận định thị trường và tự tư vấn. Tuy nhiên, TS Hiển cảnh báo nhà đầu tư vẫn có thể sập bẫy vì tham lợi nhuận hứa hẹn, ví dụ như vụ huy động vốn 200 tỉ đồng của chủ một hệ thống cà phê, hay cam kết lợi nhuận lên tới 30%-35%/năm qua app mua bán BĐS…

“Chuyện nhà đầu tư đổ xô đi mua đất Bảo Lộc, Lâm Đồng hay chỗ nào sốt đất không ảnh hưởng nếu như hệ thống tín dụng vẫn giữ vững cơ cấu cho vay. Nhà nước cần làm tốt hai vấn đề là quản lý tốt tín dụng và quản lý pháp lý BĐS, không để phá vỡ quy hoạch” - ông Hiển nhận định.

Nhà đầu tư có sẵn tiền mặt lợi thế

TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia BĐS, cho rằng khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào vàng, dầu và BĐS. Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về lạm phát, thay vào đó đầu tư càng sớm càng tốt để giữ được đồng tiền không bị mất giá.

Giả sử nếu bây giờ mua một căn nhà với giá 1 tỉ đồng, lạm phát xảy ra thì giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỉ đồng. Nếu nhà đầu tư có tiền mặt, không phải vay ngân hàng thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Tuy nhiên, nếu đi vay 700 triệu đồng thì khi lạm phát xảy ra, lãi suất sẽ rất cao và khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm