GIÁO SƯ NGÔ ĐỨC THỊNH - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM:

Lo nhất: “Nhà nước hóa” lễ hội!

Lo nhất: “Nhà nước hóa” lễ hội! ảnh 1

Đoàn con Lạc cháu Hồng tiến về đỉnh Nghĩa Lĩnh, tại khu di tích lịch sử đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) ngày 12.4.2011, tiến hành nghi thức giỗ Tổ. Ảnh: Phương Thanh

Sau tết Nguyên đán vừa qua, Lễ hội Đền Trần được nhắc tới nhiều do những biểu hiện “buôn thần bán thánh” một cách lố lăng mà nhiều người cho rằng không thể không xem xét lại vai trò của những người tham gia tổ chức, trong đó có chính quyền sở tại. Tháng tư này, Lễ hội Đền Hùng với những chuẩn bị chu đáo, những đầu tư công phu tiếp tục được quan tâm đặc biệt ở góc độ một “quốc lễ”, do nhà nước đóng vai trò “chủ lễ” quan trọng. GS Ngô Đức Thịnh cho biết ông rất lo lắng về việc lễ hội bị “nhà nước hóa quá sâu”, vì đây cũng là thời điểm hồ sơ đề cử "Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương" là "di sản văn hóa" đang được trình lên UNESCO xem xét.

Nhà nước hoá lễ hội khiến vai trò của người dân lu mờ

Năm nay, dù không phải là năm chính nhưng Lễ hội Đền Hùng không có điều gì phải phàn nàn: nhân dân tham gia rất đông, rất nhộn nhịp, do đã được tổ chức thành một sự kiện văn hóa và hồ sơ lễ hội đang được gửi lên UNESCO xem xét. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng để lo lắng. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu được coi là một quốc lễ từ thời nhà Nguyễn, cứ 5 năm một lần. Khi cử lễ, ít khi vua có mặt, mà nơi đứng ra lo là bộ Lễ (tương tự bộ Văn hóa) cùng các quan đầu tỉnh. Tài liệu để lại cho thấy triều Nguyễn đã có những quy định cụ thể như giao việc tổ chức giỗ, trông coi hương khói mộ Tổ hàng năm cho nhân dân các xã sở tại, các vị con trưởng. Vào năm hội lệ (không phải hội chính), triều đình gửi 3 đấu gạo thơm (khoảng 20 kg) về để dân làng nấu xôi cúng Tổ. Năm chẵn, triều đình chịu trách nhiệm cử hành các nghi thức.

Lễ hội Đền Hùng do là một lễ hội truyền thống quan trọng, phải kết hợp được song song vai trò của nhà nước và vai trò của người dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc đó là phó Chủ tịch nước đã có một hành động tỏ rõ sự khẳng định của Chính phủ mới thừa nhận quốc tổ và quyết tâm gìn giữ non sông. Mấy tháng sau, khoảng tháng 12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về việc “ngày Giỗ Tổ toàn dân được nghỉ một ngày”. Năm 1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô, Cụ Hồ đã vào thắp hương Đền Hùng và có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước…”. Sau đó, hàng loạt di tích được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có Đền Hùng.

Điều đáng nói là, dần dần, nghi lễ Đền Hùng đã bị nghi lễ nhà nước hóa đồng thời với việc một sinh hoạt dân gian bị thu hẹp, vai trò của người dân sở tại, của các ông con trưởng bị lu mờ. Vấn đề này của Đền Hùng cũng nằm trong xu thế chung của các lễ hội. Khác với Hội Gióng hoàn toàn không có vai trò nhà nước, lễ hội Đền Hùng những năm qua do nhà nước đóng vai trò chủ thể. Về lâu dài, để lễ hội trở về đúng bản chất một sinh hoạt dân gian, bên cạnh việc khẳng định vai trò của nhà nước, đồng thời phải khẳng định vai trò của người dân. Để lễ hội văn hóa tâm linh đó được tôn vinh là di sản văn hóa dân tộc thì nhất thiết vai trò chủ thể lễ hội phải thuộc về người dân.

Lễ phát ấn ở Đền Trần: không thể chấp nhận được

Vấn đề của Đền Trần, theo tôi là phức tạp hơn, vì Đền Trần có… ấn! Có một điều rất đặc biệt ở triều Trần: cứ đến 49 -50 tuổi, các vua Trần thường nhường ngôi cho con và trở thành Thái Thượng Hoàng, sau đó lui về quê ở Nam Định khiến nơi đây gần giống như một cung đình không chính thức. Xưa, thường 25 tết ở đây có lễ đóng ấn, có thể hiểu là nhà nước nghỉ việc và niêm phong ấn. Đến 14 tháng giêng, nhân dịp vua về chúc tết Thái Thượng Hoàng, nên có việc khai ấn, cũng là lúc công việc nhà nước bắt đầu. Mọi việc chỉ có vậy. Khi nhà Trần đổ, nghi lễ trên không còn, nhưng hàng năm con cháu nhà Trần và nhân dân quanh vùng vẫn giữ những nghi lễ đó như nhắc lại một kỷ niệm, một phong tục.

Lo nhất: “Nhà nước hóa” lễ hội! ảnh 2

Lễ hội Đền Trần được nhắc tới nhiều do những biểu hiện “buôn thần bán thánh” một cách lố lăng. Ảnh: TL

Khoảng 10 năm gần đây, vì ở Đền Trần chỉ có phần nghi lễ, tỉnh Nam Định có đề nghị đưa thêm phần hội vào, để Hội Đền Trần trở thành hội lớn nhất tỉnh. Lúc đó người ta đã nghĩ ngay đến lễ khai ấn và biến nó thành một sự kiện. Trong thời kinh tế thị trường, vì những lý do này kia, người ta bắt đầu giải thích xuyên tạc rằng đó là nghi lễ thưởng công, phong quan chức cho người có công. Thực chất là không có và nếu có thì việc đó phải làm ở Thăng Long. Thế nên việc khai ấn biến thành bán ấn, do nhu cầu, do tâm lý cầu danh lợi, do việc bầu bán, kinh doanh chức quyền trong xã hội… đã tạo thành một áp lực có thật. Đến mức nhiều người có ý kiến là phải xóa bỏ cả lễ hội.

Tôi có nghe nói bộ trưởng Bộ VHTT&DL có về đây nói rằng cứ giữ lễ khai ấn, nhưng việc phát ấn đêm 14 thì “phải tập hợp các nhà khoa học để bàn tiếp”. Theo tôi thì nên bỏ hẳn việc phát, bán ấn vì chẳng có căn cứ gì, lại dễ bị lợi dụng, biến tướng. Tất nhiên việc này khó, bởi nó liên quan đến những mối lợi, gắn với nhiều quan chức địa phương, vì nhiều quan chức của ta cũng thường về đây để cầu chức cầu quyền…

Vai trò của nhà nước?

Như vậy, lễ hội nào cũng có tính lịch sử, theo thời gian cũng phải có những thay đổi và quan trọng là những thay đổi phù hợp: giữ được tính thiêng liêng, giữ được bản sắc, lành mạnh; sự biến tướng như lễ phát ấn ở Đền Trần là không thể chấp nhận được.

Lo nhất: “Nhà nước hóa” lễ hội! ảnh 3

Lễ hội Đền Hùng do là một lễ hội truyền thống quan trọng, phải kết hợp được song song vai trò của nhà nước và của người dân. Ảnh: Phương Thanh

Về mặt chủ thể lễ hội, Hội Gióng hoàn toàn do dân tổ chức, thế nên giữ được bản sắc. Thế nhưng cũng có những lễ hội vốn là của dân nhưng về sau đã có vai trò nhà nước như Lễ hội Đền Trần 10 năm nay sau khi chính quyền địa phương nhúng tay vào. Kinh nghiệm của tôi rút ra: những lễ hội bị biến thái chủ yếu do có sự can thiệp thái quá của nhà nước. Lễ hội Đền Hùng cũng vậy. Vì thế mà chúng tôi rất lo hồ sơ Đền Hùng không được công nhận do người ta chỉ thấy ở đó vai trò tổ chức của nhà nước mà thôi. May mà năm nay, sau khi bị quá nhiều người nói, Ban tổ chức đã có ý thức khôi phục lại nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, song vẫn chưa đủ và phải là tốt hơn nữa, vì nhà nước can thiệp sâu vào sẽ làm mất đi bản sắc của lễ hội – vì lễ hội vốn là của dân, phải trả lại cho họ làm. Ví dụ như Lễ hội Lam Kinh, 3 làng thay nhau tế vu Lê Lợi, về sau người ta đưa các đoàn văn công đến, biến lễ tế thiêng liêng thành chuyện đóng kịch, chuyện phương chèo… rất lố bịch và sai trái. Hoặc ở Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn, ông chủ tế lại kể lể thành tích… sinh đẻ có kế hoạch, như thế là làm văn hóa hạng bét và làm tuyên truyền quá rẻ tiền. Sự toàn trị không thích hợp có thể sẽ làm hỏng lễ hội.

Điều cơ bản là các lễ hội không nhất thiết phải khôi phục nguyên xi, nhưng phải giữ cho được nét đặc sắc, tâm linh vốn có. Giữ bằng nhiều cách, phải tránh cho được sự lợi dụng lễ hội để vụ lợi và mê tín dị đoan.

Mặt khác, lễ hội gắn với du lịch – một bài toán khó và cũng là một con dao 2 lưỡi. Biết làm du lịch sẽ phát triển bảo tồn được văn hóa và lễ hội, không biết mà làm sẽ là phá hoại. Tôi rất lo, Lễ hội Gióng sau khi được công nhận di sản văn hóa nhân loại, du lịch nhảy vào và chính quyền can thiệp không đúng cách không chừng sẽ phá tan nó.

Lễ hội nào cũng có tính lịch sử, theo thời gian cũng phải có những thay đổi phù hợp: giữ được tính thiêng liêng, bản sắc, lành mạnh; sự biến tướng như lễ phát ấn ở Đền Trần là không thể chấp nhận được.

Vậy thì nhà nước nên tham gia như thế nào? Trong số trên 8.000 lễ hội mỗi năm trên cả nước, có trên 7.000 lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội làng đã có hàng nghìn năm. Có người bảo nên giảm bớt. Nhưng phải thấy hội làng nào đều rất quan trọng với làng đó, đó là nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa của người dân, dân tự bỏ tiền tổ chức và hưởng thụ. Vấn đề là phải tin vào người dân. Nếu để người dân dứng ngoài, trở thành người chứng kiến, đứng xem lễ hội thì sẽ không thành lễ hội đúng nghĩa. Chỉ người dân mới tạo ra được bản sắc của lễ hội vì chính họ đã sáng tạo và gìn giữ được lễ hội từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Hãy để người dân được làm chủ lễ hội của họ và đừng tước đoạt của họ nhu cầu đó. Làm văn hóa lễ hội, làm lãnh đạo phải ý thức được điều cơ bản này. Nhà nước chỉ nên hỗ trợ, chỉnh đốn khi có những bất cập. Với những sự kiện, lễ hội trọng đại ở cấp quốc gia như ngày 1.5, 2.9…thì không ai có thể làm thay nhà nước, nhưng Lễ hội Đền Hùng do là một lễ hội truyền thống quan trọng, phải kết hợp được song song vai trò của nhà nước và vai trò của người dân… Ở đây chúng ta rất nên tham khảo cách làm của triều Nguyễn như trên đã nói.

Oái oăm nhất là việc gần đây đã mọc lên những công ty chuyên tổ chức lễ hội ở một số địa phương. Điều nay rất phi văn hóa, tốn kém, chẳng có bản sắc văn hóa gì vì hoàn toàn là lễ hội mới.

Kim Hoa ghi (Theo SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm