Lo ùn ứ xe kiểm định sau dịch, Cục Đăng kiểm lên phương án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, TP đã và đang áp dụng Chỉ thị 16 nên nhiều xe không nằm trong loại hình được hoạt động đều phải nằm bãi dài ngày, trong đó có nhiều xe, đặc biệt là xe khách đã quá hạn kiểm định.

Do vậy, nhiều người dân, tài xế, doanh nghiệp vận tải lo ngại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) sẽ quá tải lượng xe đến kiểm định sau dịch, ảnh hưởng đến việc hoạt động lại của đơn vị mình.

Ô tô quá hạn đăng kiểm tăng kỷ lục

Theo dữ liệu cập nhật của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VN), tính đến ngày 18-8, lượng ô tô các loại quá hạn kiểm định 1-3 tháng tại Hà Nội lên tới 17.597 xe, trong đó riêng ô tô con chiếm 9.050 xe. Các địa phương khác đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng có lượng ô tô quá hạn kiểm định lên đến hàng ngàn chiếc. Trong đó, Bình Dương có 7.305 xe, Đà Nẵng có 4.433 xe…

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết mỗi ngày, các trung tâm đăng kiểm
xe cơ giới trên cả nước có thể đáp ứng được hơn 32.480 lượt xe cơ giới
vào kiểm định. Ảnh: THY NHUNG

Đáng chú ý, TP.HCM là địa phương có lượng ô tô quá hạn đăng kiểm nhiều nhất cả nước. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cục Đăng kiểm VN, sau hơn hai tháng áp dụng các biện pháp giãn cách, hạn chế đi lại, lượng ô tô quá hạn kiểm định 1-3 tháng tại TP.HCM đã lên đến 29.718 chiếc. Trong số này có 14.566 ô tô con, 5.467 ô tô chở khách kinh doanh dịch vụ vận tải, 9.685 xe tải và xe chuyên dụng.

Anh Bùi Văn Quang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay: “Xe tôi đã quá hạn kiểm định hai tháng nay, hết giãn cách tôi sẽ phải đi kiểm định lại. Thời gian qua, TP.HCM giãn cách quá lâu nên chắc chắn nhiều xe cũng quá hạn như xe tôi. Tôi lo ngại sẽ ùn ứ tại các trung tâm kiểm định xe”.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho rằng với lượng lớn xe quá hạn kiểm định như trên thì sẽ có tình trạng quá tải, ùn ứ xe đi kiểm định sau khi hết giãn cách. “Tại TP.HCM, xe vận tải đã nằm im gần bốn tháng.

Việc Sở GTVT đề nghị lực lượng chức năng không xử phạt đối với xe quá hạn kiểm định là rất đúng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nên tính đến phương án kéo dài thời gian không xử phạt xe quá hạn kiểm định thêm một tháng sau khi giãn cách để người dân chủ động hơn, tránh tình trạng quá tải cho các TTĐK” - ông Tính nói.

Bên cạnh đó, ông Tính cũng đề xuất Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN kéo dài thời gian kiểm định đối với một số loại xe để người dân, đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục khó khăn sau dịch COVID-19.

Kiểm định 200 xe/ngày

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Chi nhánh TTĐK 5003V (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết trong thời gian giãn cách, số lượng xe đến kiểm định chỉ bằng 1/5 so với bình thường.

Các loại xe này chủ yếu là xe luồng xanh, xe y tế, xe tang lễ. “Sau thời điểm giãn cách, khả năng lượng xe đến kiểm định tăng cao nhưng khó xảy ra tình trạng ùn ứ bởi hiện nay các địa phương có khá nhiều TTĐK. Riêng TP.HCM có gần 20 trạm. Một ngày trung tâm chúng tôi có thể kiểm định được tối đa 200 xe” - ông Chủ nói.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết hiện cả nước có 464 dây chuyền kiểm định, năng suất kiểm định mỗi dây chuyền đạt trung bình từ 70 đến 90 xe/8 tiếng. Như vậy mỗi ngày, các TTĐK xe cơ giới trên cả nước có thể đáp ứng được hơn 32.480 lượt xe cơ giới vào kiểm định. Các trung tâm này hoàn toàn đáp ứng được tất cả nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp vận tải.

“Tất nhiên, do có sự phân bố không đồng đều nên sẽ có một số TTĐK tập trung nhiều xe đến kiểm định hơn. Tuy nhiên, cục cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các TTĐK có phương án, kế hoạch sẵn sàng, kể cả làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu của người dân” - Cục Đăng kiểm VN cho hay.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng lưu ý các tài xế, chủ xe có thể tra cứu thông tin phạt nguội trên cổng thông tin điện tử của Cục CSGT và của Cục Đăng kiểm VN trước khi đi kiểm định để tránh mất thời gian của cả người dân và các TTĐK.

Từ tháng 10-2021, không cần xuất trình bảo hiểm
khi đi kiểm định xe

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 16/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015) quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-10-2021.

Đáng chú ý, thông tư này quy định chủ xe chỉ phải xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính hoặc giấy biên nhận giữ bản chính đang thế chấp của tổ chức tín dụng; hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe) khi mang xe đi kiểm định định kỳ.

Đối với xe kiểm định lần đầu, chủ xe cần mang theo giấy đăng ký xe (bản chính hoặc giấy biên nhận giữ bản chính đang thế chấp của tổ chức tín dụng; hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe). Đồng thời, chủ xe phải nộp bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý) và nộp bản chính chứng nhận kiểm định cải tạo đối với xe cơ giới mới cải tạo.

Đối với xe kinh doanh vận tải và xe thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera, Thông tư 16/2021 quy định chủ xe phải khai báo về việc kinh doanh vận tải vào phiếu hồ sơ; cung cấp thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera.

Thông tư 16/2021 cũng quy định một số nội dung mới, như ô tô kinh doanh vận tải đạt chất lượng kiểm định được dán tem kiểm định có nền màu vàng, còn xe không kinh doanh vận tải có nền màu xanh nhằm phân biệt hai loại xe trên, theo yêu cầu của Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm