Lo vỡ đê bao sông Sài Gòn khi vào mùa mưa bão, triều cường

UBND TP.HCM vừa có văn bản trả lời cho cử tri TP về dự án đê bao sông Sài Gòn, các nguyên nhân chủ quan và khách quan khi tuyến đê này chưa phát huy hiệu quả.

Tuyến đê bao xuống cấp

“Việc đầu tư xây dựng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ năm 2005 đến nay nhưng chưa nghiệm thu, một số đoạn thi công xong hiện nay đã hư hỏng nặng, đề nghị có kế hoạch gia cố, tu bổ” - cử tri huyện Củ Chi chất vấn TP về tuyến đê bao sông Sài Gòn trong các kiến nghị gửi HĐND ở kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM vừa qua.

Trả lời cử tri về vấn đề này trong văn bản mới đây, UBND TP.HCM cho biết tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi thuộc dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn từ tỉnh lộ 8 đến rạch Tra (Bắc Rạch Tra). Dự án này đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả trong việc ngăn triều cường, ngăn lũ, ngăn mặn, kết hợp làm nền hạ xây dựng hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế vườn, du lịch cho khu vực xã Bình Mỹ trong những năm qua.

Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn có nhiều đoạn xuống cấp. Ảnh: S.Đ

“Tuy nhiên, do công trình đê bao đầu tư bằng đất đắp, một số gói thầu hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012. Qua thời gian sử dụng, đến nay một số vị trí đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu trong văn bản.

UBND TP cũng nêu hai nguyên nhân khiến tuyến đê bao này xuống cấp, bao gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, nguyên nhân khách quan là công trình chủ yếu bằng đất đắp trên nền đất yếu qua thời gian dài sử dụng cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều hơn đã dẫn đến một số hạng mục công trình bị xuống cấp, hư hỏng, lún sụt.

Ngoài ra, do TP.HCM bị ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều cùng mực nước đỉnh triều cường tăng cao trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân dẫn dến tình trạng tràn bờ làm xuống cấp một số vị trí đê bao, bờ bao.

Về nguyên nhân chủ quan là do dự án chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác, vận hành nên công trình chưa được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, thường xuyên cũng là nguyên nhân công trình xuống cấp.

Trước đó, huyện Hóc Môn cũng cho biết dự án đê bao sông Sài Gòn đi qua huyện này (qua khu vực xã Nhị Bình) cũng có nhiều đoạn đê bao xuống cấp, khiến mỗi đợt triều cường là cơ quan chức năng xã Nhị Bình phải hỗ trợ bà con bằng cách đắp tạm các bao cát lên bờ đê chống tràn bờ.

Tổng thể chiều dài đê bao sông Sài Gòn là 9.557 m, đê bao ven sông Sài Gòn có cao trình đê bao là + 2,2 m; bờ bao các rạch nội đồng có cao trình bờ bao là +2 m và 136 cống các loại (trong đó có 53 cống dưới đê bao ven sông Sài Gòn).

Đê bao ven sông Sài Gòn chia thành chín gói thầu xây lắp, có chức năng, nhiệm vụ là chống lũ cho 3.054 ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư TP.HCM. 

Cần nhiều giải pháp hơn là chỉ đắp đê

“Nếu chúng ta chỉ đắp đê bằng đất cũng không phải là giải pháp tốt vì ven sông Sài Gòn đất yếu, bùn đất, dễ trượt nên nhiều đoạn tuyến xuống cấp là điều dễ nhận thấy” - GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Khoa môi trường tài nguyên và biến đổi khí hậu (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), nói.

Theo ông Bá, cần phải có cách làm mới hơn, ngoài đắp đất còn có các vật liệu khác như bê tông hoặc thêm nhựa gia cố, cũng nên tính toán đến biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, ảnh hưởng đến cao trình thiết kế đê…

“Ngoài ra, muốn đê vững chắc chúng ta cần làm đường trên mặt đê. Đường giao thông vừa thuận tiện đi lại và có tác dụng làm đê vững chắc hơn qua thời gian. Đồng thời phải có các giải pháp như làm hồ điều tiết chống ngập để trữ nước mỗi khi mưa xuống” - ông Bá nói.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng cơ bản về công trình thì muốn “trị bệnh” thì phải biết nguyên nhân “bệnh”. “Mọi năm đều bể bờ đê những chỗ xung yếu, chúng ta cần tránh tư duy kiểu vỡ đâu vá đó hoặc kiểu năm nào cũng vỡ mà, có sao đâu. Cần phải có các biện pháp tốt xử lý để người dân không thắc mắc sao ngập hoài mà không giải quyết được” - ông Hùng thẳng thắn.•

 

Kịp thời xử lý theo phương châm “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”

Nói về giải pháp trong thời gian tới, UBND TP cho biết Sở NN&PTNT TP sẽ thường xuyên chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi phối hợp với địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí bờ bao, cổng, cửa van ngăn triều xung yếu.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát...) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Riêng về bờ bao khu vực huyện Củ Chi, sau khi tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các sở, ngành về bàn giao công trình và kết thúc giai đoạn 1, Sở NN&PTNT TP sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn - Bắc Rạch Tra đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống thiên tai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới