Tình trạng ngập úng ở TP.HCM đang diễn biến ngày một phức tạp, để giải quyết bài toán ngập nước, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập
Theo Sở Xây dựng TP.HCM có nhiều nguyên nhân dẫn đến gây ngập ở TP. Cụ thể, do biến đổi khí hậu, nhiều năm gần đây, TP.HCM xuất hiện nhiều trận mưa rất lớn. Đồng thời, TP.HCM chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập thông qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài ra, tình trạng ngập úng còn do một số nguyên nhân chủ quan như: các vấn đề về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp, nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh.
Một con kênh trên địa bàn quận Bình Thạnh được thu gom rác và khai thông dòng chảy. (Ảnh: CHÂU NGUYÊN)
Quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng. Đối với những dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới khi thực hiện đầu tư đã san lấp, làm mất diện tích thấm, giảm khả năng trữ nước tự nhiên của kênh rạch, nhưng chưa thực hiện để bù lại diện thích thấm, thoát nước tự nhiên.
Tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, kênh, rạch vẫn còn tồn tại. Công tác chặn dòng thi công các công trình phục vụ thoát nước làm hạn chế, thu hẹp dòng chảy gây ngập cục bộ tại một số khu vực…
Nhiều giải pháp được thực hiện để giảm ngập
Chương trình giảm ngập của TP.HCM đã được thực hiện trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua đó, đã hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân TP.
Cụ thể năm 2008, kết quả xóa ngập do mưa, trên địa bàn TP tồn tại 126 điểm ngập, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm điểm ngập vùng ngoại vi. Đến đầu năm 2011, TP đã xóa, giảm ngập từ 126 điểm xuống còn 58 điểm. Đến cuối năm 2015, TP còn 40 tuyến đường ngập. Trong giai đoạn 2016-2020, TP định hướng giải quyết 36/40 tuyến đường trục chính và 179 tuyến hẻm, đường nhánh. Đến cuối năm 2020, TP đã giải quyết được 22/40 tuyến đường trục chính và 179 tuyến hẻm, đường nhánh.
Kết quả xóa ngập do triều, năm 2008, trên địa bàn TP tồn tại 95 tuyến đường tục chính ngập do triều. Đến cuối năm 2015 TP chỉ còn 9 tuyến đường trục chính bị ngập. Đến cuối năm 2020, TP giải quyết được 5/9 tuyến đường trục chính.
Ngoài ra, đến cuối năm 2020, TP.HCM đã hoàn thành một nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát có công suất 131.000 m3/ngày; đang thi công nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), nâng công suất nhà máy từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày…
Để tiếp tục thực hiện chương trình giảm giảm ngập, trong những tháng cuối năm 2021, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước, triển khai công tác ứng cứu trong mùa mưa, triều cường xảy ra khi ngập nước; Hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; khởi công xây dựng nhà máy xửa lý nước thải Nhiêu Lộc -Thị Nghè thuộc dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2).
TP.HCM tăng cường thực hiện Chỉ thị 19 Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân… nghiêm túc thực hiện. Theo Sở TN&MT TP.HCM, sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, TP đã đạt nhiều kết quả, nhằm tiếp tục thực hiện một số vấn đề còn tồn tại sau thời gian thực hiện, TP sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cuộc vận động. Nhờ đó, tình hình vệ sinh trên địa bàn TP đã có bước cải thiện, xóa được nhiều điểm đen về rác; nhiều tuyến kênh rạch được thu gom, vớt rác, khai thông dòng chảy, phát hoang cỏ dại… |