Lò “xay” HLV tại V-League

(PLO)- V-League nổi tiếng khắc nghiệt với nhiều cuộc đào thải HLV vì thành tích kém hoặc bị chính cầu thủ đình công. Trước lượt về, TP.HCM và Nam Định lại có HLV mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi lượt đi đang diễn ra thì bóng đá Việt Nam được chứng kiến những cuộc thay HLV trưởng theo các hình thức khác nhau, kể cả việc trốn tránh hai từ thay tướng.

B. Bình Dương kéo được ông Lư Đình Tuấn từ TP.HCM về làm HLV trưởng để ông Đặng Trần Chỉnh trở về với vị trí quản lý và giám đốc kỹ thuật; TP.HCM chọn giải pháp đưa ông Trần Minh Chiến vào vị trí mới, tạm để Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng kiêm nhiệm dẫn dắt hai trận cuối lượt đi trước khi ông Trương Việt Hoàng về nhận nhiệm vụ. Sài Gòn FC về danh chính thì không thay HLV Phùng Thanh Phương nhưng từ khi ông Lê Huỳnh Đức về thì vai trò HLV trưởng của ông Phương chỉ như trợ lý và xuất hiện ở những cuộc họp báo.

Mới đây, đội Nam Định vừa công bố HLV mới thay ông Nguyễn Văn Sỹ đó là Vũ Hồng Việt. Việc thay tướng của đội bóng thành Nam khiến nhiều người khá bất ngờ vì ông Sỹ tuy đang cùng đội Nam Định không có thành tích tốt nhưng đây là HLV am hiểu và gắn bó với đội Nam Định nhất. Ông Sỹ cũng là người từng cầm sổ đỏ của gia đình để tạm thanh toán lương cho các cầu thủ khi nhà tài trợ chậm chi trả lương và là người được các cầu thủ rất yêu thương bởi tình cảm và sự chia sẻ của ông đối với họ. Càng ngạc nhiên hơn khi việc thay tướng của Nam Định lại đến từ sức ép của các cổ động viên với suy nghĩ cứ thay tướng thì đội bóng sẽ thay đổi và thành tích sẽ được cải thiện.

Sài Gòn FC về lý thuyết không thay tướng nhưng ai cũng biết mời ông Lê Huỳnh Đức về với danh nghĩa giám đốc kỹ thuật nhưng việc chính là HLV trưởng. Ảnh: ANH DUY

Sài Gòn FC về lý thuyết không thay tướng nhưng ai cũng biết mời ông Lê Huỳnh Đức về với danh nghĩa giám đốc kỹ thuật nhưng việc chính là HLV trưởng. Ảnh: ANH DUY

Trái bóng V-League vẫn lăn trên các sân cỏ và các HLV vẫn cứ bị thuyên chuyển bởi thành tích và những toan tính trong cuộc chơi khắc nghiệt. Như với Viettel, việc thay tướng không hẳn vì thành tích bởi khi mời ông Trương Việt Hoàng về dẫn dắt thì Viettel đã có một chiếc cúp vô địch thật thuyết phục. Hay với B. Bình Dương thì từng có việc thay tướng bởi HLV “chịu không nổi” cách làm việc của những cộng sự. Rõ nhất là mùa trước HLV Phan Thanh Hùng lấy lý do bệnh để rời Bình Dương bởi ở đấy ông không được nhiều quyền quyết định như một HLV trưởng thực thụ mà bị chi phối bởi nhiều người khác.

Với TP.HCM, đội bóng giữ kỷ lục về thay tướng lại xuất phát từ nội tình và từ áp lực ngoài chuyên môn nơi một đội bóng chiêu mộ nhiều cầu thủ giỏi rồi ấn cho HLV làm. Chính việc mua cầu thủ giỏi rồi trao tay HLV khiến HLV phải “xào nấu” và chịu áp lực với cầu thủ giỏi trao tay, chứ không thoải mái với việc làm nghề kiểu xây dựng lối chơi bằng cách kiếm những cầu thủ phù hợp. Hoặc với Sài Gòn FC, việc tìm được HLV Lê Huỳnh Đức của lãnh đạo CLB giống như quơ nhanh một cái phao trong lúc con thuyền Sài Gòn FC đang chống chọi với sóng lớn. Ông Lê Huỳnh Đức về nhận vị trí giám đốc kỹ thuật nhưng ai cũng biết ông Đức làm HLV trưởng và xây dựng lại giáo án, kiếm cầu thủ phù hợp… Điều mà ai biết xem bóng đá cũng thấy rất rõ mọi chỉ đạo trên sân là ông giám đốc kỹ thuật Lê Huỳnh Đức chứ không phải HLV trưởng Phùng Thanh Phương.

Từ nay đến cuối giải còn cả một lượt về nhưng chắc chắn những cuộc thay tướng sẽ vẫn còn tiếp diễn. Với bóng đá Việt Nam, nguy hiểm nhất là chỉ ba, bốn trận thua là ông chủ đội bóng đã nghĩ ngay đến việc thay tướng để cải thiện chứ ít chịu tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ hay việc kiên trì nhìn nhận HLV cùng toàn đội đang đi đúng hướng.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm