Loại bỏ lợi ích ngành khi xây dựng cơ chế, chính sách

Ngày 7-2, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2014.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã phân tích những vướng mắc, bất cập của công tác kiểm soát TTHC vừa qua và nhấn mạnh: Những cải cách có lợi cho dân chắc chắn được người dân đồng tình, ủng hộ. Muốn vậy, phải nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ các cấp xử lý hiệu quả những phản ánh, kiến nghị, giúp người dân dễ dàng thực hiện quyền được yêu cầu giải quyết TTHC.

Theo Thứ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, trong năm 2014 công tác kiểm soát TTHC sẽ tập trung xây dựng, trình Chính phủ các đề án: Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền; liên thông thủ tục đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú/tạm trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi, đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú; thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế; đặc biệt tổ chức thực hiện Đề án 896 về đơn giản hóa giấy tờ công dân.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) cũng phản ánh: “Thực trạng rất đáng lo ngại là bộ máy hành chính nhà nước đang hình thức hóa việc cải cách TTHC theo hướng ngày càng sâu sắc hơn trong việc bảo hộ quyền lợi của riêng mình”. Ông Dũng dẫn chứng những lắt léo trong việc xây dựng, ban hành, sửa đổi Thông tư 55 thành Thông tư 48 về xếp hạng doanh nghiệp đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì từ loại A hạ cấp xuống loại B, thậm chí loại C…

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất phải tạo “động lực mới” cho hệ thống kiểm soát TTHC, hằng năm phải đánh giá hiệu quả của bộ máy hành chính trên cơ sở sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới