Ngày 28-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là phiên họp rất đặc biệt, có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các ủy viên Bộ Chính trị. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài phát biểu quan trọng.
Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch
Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng cho hay việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, đến nay các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP đạt 6,81% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Chất lượng tăng trưởng nâng lên nhờ tăng năng suất lao động và cải thiện chỉ số môi trường. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt...
Năm 2017 cũng là năm của chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch một bước bộ máy nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước lấy được niềm tin yêu của nhân dân.
“Những kết quả trên là sự đồng tâm hiệp lực, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự cố gắng của người dân, doanh nghiệp. Nếu chúng ta bằng lòng, chủ quan với kết quả đó mà không tiếp tục nỗ lực thì cỗ máy phát triển sẽ dừng lại, khi đó sự khởi động lại từ đầu sẽ rất khó khăn” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Dừng ngay việc lên trung ương biếu xén
Bên cạnh kết quả đạt được như trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, nhiều hạn chế. Vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ gây bức xúc trong nhân dân; xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm...
Liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng còn hiện tượng người dân ở nhiều địa phương kéo về Hà Nội khiếu kiện, khiếu nại. “Chúng ta không chịu đối thoại với dân, bỏ mặc dân. Chủ tịch huyện, chủ tịch xã có đối thoại với dân không? Tất cả việc khiếu nại này chủ yếu là đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chúng ta không làm, cứ đẩy lên trung ương” - Thủ tướng nhận xét và khẳng định: “Tôi năm nay sẽ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội thì tôi mời chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết việc này”.
Thủ tướng cũng cho rằng chống tham nhũng là nhiệm vụ của các địa phương. “Các đồng chí nói là tham nhũng ở đâu chứ địa phương tôi không có, trong khi nguồn lực, vốn liếng đầu tư, đất đai nằm ở địa phương các đồng chí. Vấn đề chống tham nhũng nằm ở địa phương các đồng chí. Thanh tra chỉ làm một phần nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước; công an, các ngành làm nhiệm vụ này nhưng chính các đồng chí nhận thức thì mới làm đến nơi đến chốn” - Thủ tướng nói.
“Chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng nói đừng biếu xén Tết nhất nữa. Ông chủ tịch, ông bí thư, các đồng chí lãnh đạo các địa phương không phải lên trung ương để biếu xén lãnh đạo. Phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được” - Thủ tướng nói thêm.
Thay thế cán bộ lơ là công vụ
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2018, Việt Nam cần tận dụng đà phát triển năm 2017, thúc đẩy chương trình phát triển kinh tế-xã hội, cải cách kinh tế sâu rộng đạt và vượt những mục tiêu quan trọng trong năm tới và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ đề ra trong năm 2018 trình hội nghị hôm nay là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết tâm cùng nhau siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ tận tụy, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Đồng thời hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay.
“Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế. Hãy sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi. Phải làm sao sử dụng nguồn lực của dân ít nhưng đem lại hiệu quả tốt nhất” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Không chủ quan, say sưa với thành tích Năm 2017, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng mừng trên hầu hết lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý. Một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi... Năm 2018, cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; tăng cường phòng chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật... Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm lại” sự phát triển mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ. Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG |