Lời chào còn lại của phố

Ở thành phố ồn ào và bụi bặm, thường nửa đêm khi xe cộ đã vãn, đi qua một góc phố nhỏ hay dạo ven một mặt hồ, cảm giác nhịp sinh học của mình lúc này mới được giãn ra. Rồi một mùi thơm phảng phất lan từ trên cao xuống. Ấy là mùi hoa. Nó át đi những mùi nặng nề lưu cữu ở bên dưới, như một nhắc nhở rằng ở đô thị vẫn còn những mùi dễ chịu của tự nhiên. Có những chiều Hà Nội sau cơn mưa, xen giữa mùi đất ẩm, mùi lá mục là một mùi hương nhè nhẹ kín đáo cất lên, như lời chào của một vài bông hoa trên cành.

Hà Nội những mùa hoa tiếp nối

Thời tiết Hà Nội giờ đây gần như đếm bằng mùa của những loài hoa nối tiếp nhau. Biến đổi khí hậu trong vài thập niên đã khiến cho cấu trúc bốn mùa không còn rõ rệt và sự cực đoan của thời tiết khiến người hàng phố vất vả đối phó. Nóng thì hầm hập, lạnh thì thấu xương, mùa thu chập chờn tưởng không còn đúng hẹn và mùa xuân thực chất là một cuộc xin âm dương giữa mưa phùn gió bấc và nắng ngôn ngốt đầu hạ.

Từ ngoài phố lên đến mạng xã hội, con người chỉ còn biết tìm an ủi ở một sự luân chuyển có tính vĩnh cửu tự nhiên của những đợt hoa nở rộ. Mỗi đợt hoa lại mang theo một mùi hương riêng, bắt đầu từ những cánh đồng hoa Tây Tựu, Thúy Lĩnh, Văn Giang… và được chở trên những chuyến xe vào nội thành, tạo thành những dòng hương sắc còn đủ làm duyên cho đường phố đã quá bụi bặm.

Tháng Chạp là những con đường của hoa đón Tết, nhiều loại hoa lắm, nhưng có lẽ mùi của những bó mùi già để đun nước tắm là nổi bật hơn cả. Nó gợi lên sự nồng ấm giản dị, biến cả thành phố thành một spa khổng lồ, ai nấy nền nã, dịu dàng trở lại. Và mùa xuân dường như ngưng lại ở đấy, bổ sung thêm một vài mùi hương không quá rõ rệt, thường là một hỗn hợp hăng hăng của những loại hoa cắm Tết cổ xưa như đào hay thược dược, violet, layơn, những thứ hoa có dấu ấn trong vòng một thế kỷ trên đất này.

Dòng hương của mùa hè có mùi thơm của những loài hoa sẽ cho quả có vị chua: sấu, dâu da xoan, cũng là của hai loại cây trồng ven đường phố quen thuộc. Mùi thơm này ngan ngát, trong trẻo đúng như màu trắng dịu của hoa. Nở rất nhiều và rụng cũng nhiều, nhỏ li ti như không muốn làm phiền người khác theo kiểu những loài hoa rực rỡ khác. Những mùi hương mùa hè xen kẽ mùi của mưa rào hay trong cái nóng ong ong đến vỡ mặt đường, giống một loại tinh dầu tự nhiên gợi lại một cảm giác về một thứ quả đang dấm (ủ) chín. Nhiều năm tháng đời sống Hà Nội đã dấm những mùi hương thiên nhiên, tạo thành một ký ức mùi hương riêng biệt. Thứ ký ức không phải loại vận dụng lý trí để nhớ mà bằng cảm giác. Chưa thấy hoa đâu nhưng đã cảm thấy mùi thơm như lời chào từ xa, như một người cố gắng trao gửi sự thân mật, hiếu khách.

 “…Qua một ngày vất vả

Hà Nội vẫn dành ta

Chọn chiều hương êm ả

Từng ngọn cỏ hơi mưa

Có đời ta ở đó…”

(Chiềutrích Hương cây của Lưu Quang Vũ, 1967)

Cứ kể thế này thì sẽ dễ đoán: mùi hoa ngâu trong mưa thu, chưa kể mùi cốm, mùi bưởi, kéo dài sang đông lại có mùi hoa sữa nổi bật trong gió lạnh…, chúng làm cho phố phường Hà Nội có cá tính hơn hẳn. Chúng làm người ta quên đi một chút những nhọc nhằn, phiền muộn thường nhật. Nhiều thập niên, hoa sữa chẳng hạn đã được coi như một lời chào nồng hậu của đường phố Hà Nội. Đường phố vắng, lời người nhỏ nhẹ và mùi hoa thơm đủ mạnh. Thơ ca đã ấn định vai trò “lời chào” của hoa sữa.

Nhưng khung cảnh đã thay đổi

Giờ đây, phố Hà Nội hiếm khi vắng, thường trực là tiếng ồn của các phương tiện giao thông cơ giới trong bầu không khí ô nhiễm. Và trên cái nền đó, lời ăn tiếng nói của người đường phố cũng to hơn trước. Nhiều khi hệ thống tiếng ồn làm cho thính giác người Hà Nội bị kém dần, họ phải nói to hơn để nghe cho rõ.

Như để đua tranh với sự khuếch đại toàn thể ấy, mùi hoa sữa giờ nồng nàn quá đậm đến mức gây ác cảm, đơn giản là vì chúng được trồng quá dày. Chúng bột phát thành một mùi thơm quá lẳng lơ, quá áp chế. Trên báo chí và mạng xã hội, cuộc tranh cãi về hoa sữa kéo theo sự ngờ vực về giá trị của khung cảnh đô thị Hà Nội. Những bài ca về loài hoa này bỗng nhiên vô duyên khi chúng ca ngợi một mùi hương quá nồng trong bầu không khí ô nhiễm và khói bụi chật chội. Mùi hương bỗng lạc cảnh, như thể ở sai chỗ khó ngờ.

Lời chào giờ đây trở nên quá to, cũng như mùi hương quá gắt, như một cặp bài trùng ô nhiễm tiếng ồn và mùi. Nghĩ một cách tích cực thì mùi hương hoa rút cục là thứ tự nhiên nhất mà con người ít can thiệp được. Nếu không còn cây, hoa và mùi hương của chúng, Hà Nội dễ khiến người ta tưởng đấy là một đô thị chen chúc bê tông nhôm kính bên bờ những con sông ô nhiễm đầy mùi hôi. Vì thế, chút hương quá đậm của mùi hoa có vẻ như một sự phản ứng có tính khắc phục. Xét cho cùng, hoa sữa cũng chỉ làm phiền vài ngày nở rộ. Vì thế, việc chúng ta ồ ạt chặt bỏ hoa sữa cũng như từ chối một phần cá tính đường phố Hà Nội.

Thiên tình sử chẳng biết có đi được tới cùng

Một người bạn lo rằng sẽ đến lúc các khoảng không đời sống bị lấp đầy bằng các thiết chế tiện nghi. Rồi các mùi dễ chịu như mùi của món ăn ở các khu chợ, mùi hương hoa dọc những con đường… chỉ còn trong ký ức. Những ngôi chợ đã dần nhường chỗ cho các trung tâm thương mại. Xe hoa thôi tập kết về chợ, vì cửa hiệu bán hoa kiểu Tây cũng nhiều hơn trước, tiện lợi đóng gói hợp thời trang hơn. Ngay chính thứ hoa vẫn còn được bán rong ruổi trên những chuyến xe đạp dọc phố, khi trồng ở ngoại thành cũng rơi vào tình trạng phun đẫm thuốc trừ sâu, khiến cho chúng trở thành thứ không còn tự nhiên như phần thưởng quý giá của đất trời.

Vì thế mùi hương hoa của những cây bóng mát ven đường vẫn còn níu kéo vẻ tự nhiên. Chúng là căn cước thiên nhiên của thành phố, phần đáng yêu mà giản dị còn lại của thời “hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”. Cái bối rối thuở nào đó hình như chúng ta cũng đang đánh mất ở ngày hôm nay. Những mùi thơm giờ quá dạn dĩ và phô trương, như rất nhiều cây hoa sữa bị trồng dày đặc không cần tính toán. Thay vì điểm xuyết vài cây trên một tuyến phố, người ta trồng ồ ạt, thậm chí còn lan rộng ra các tỉnh khác. Mùi hương bỗng giống lời chèo kéo khách qua đường lả lơi hơn là một nụ cười ý nhị. Chẳng khác nào chúng ta ra sức cổ vũ và “xuất khẩu” sự thanh lịch mà chẳng biết nó cần những điều kiện thực tế nào để tồn tại.

Hà Nội có tiếng là nhiều hồ nước và các con đường hay được trồng cây xanh nhưng tỷ lệ đất cây xanh trên đầu người thấp so với nhiều thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, mùi hương hoa của những loại cây Hà Nội đã góp phần mở rộng vùng ảnh hưởng của cây xanh. Giống như một lời chào, có khi dịu dàng, có khi vồn vã quá, mùi hương cất lên tiếng nói trước khi người đi qua phố nhìn thấy bóng cây. Nhiều thập niên, các nghệ sĩ đã dùng lời chào này như một lời nói đầu cho một thiên tình sử với Hà Nội. Ai sẽ viết tiếp chúng nếu như họ không có được niềm tin về giảm thiểu ô nhiễm, về quy hoạch cây xanh và tinh tế hơn, quy hoạch những mùi hương. Thiên tình sử chẳng biết có đi được tới cùng hay cứ mãi là những trang dang dở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới