Trong chương trình nghị sự chắc chắn có các vấn đề khủng hoảng Syria, khủng hoảng nhập cư châu Âu, đối phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, AFP dẫn nguồn tin giấu tên cho biết chương trình nghị sự có thể thay đổi sau vụ tấn công khủng bố ở Pháp vào đêm 13-11. Báo chí đưa tin có thể hội nghị G20 sẽ ra tuyên bố chung đặc biệt lên án vụ khủng bố ở Pháp. AFP nhận định hội nghị G20 lần này bắt buộc phải thành lập một mặt trận chung chống khủng bố. Điều này thật khó bởi không có hội đàm song phương nào được dự kiến tại hội nghị G20 giữa Tổng thống Obama và ông Putin.
Hội nghị G20 diễn ra hai tuần sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiến thắng trong bầu cử Quốc hội, do đó ông mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác hết sức cần thiết. Ông sẽ đưa ra sáng kiến thiết lập “vùng an toàn” ở miền Bắc Syria để tiếp nhận người tản cư, một sáng kiến mà các đồng minh đều từ chối.
Tổng thống Obama và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị G20. Ảnh: AP
Trước làn sóng người di cư tràn ngập châu Âu (đa số là người Syria), Liên minh châu Âu (EU) đã cố thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và các nước lân cận tiếp nhận người di cư trước khi họ sang châu Âu, bù lại EU sẵn sàng chi tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang treo giá và đòi nhiều hơn.
Hội nghị G20 diễn ra hai tuần trước khi hội nghị của LHQ về khí hậu khai mạc ở Paris (Pháp). Do đó đây là dịp để các nước chốt lại lần cuối các quyết định về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Về kinh tế, tình hình kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại cũng tiếp tục làm các nước lo ngại.