Lợi ích kép từ chính sách visa mở

(PLO)-Chính sách thị thực mới sẽ giúp du lịch Việt Nam thu hút du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Một trong những nội dung trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV là bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (VN) và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN mà Chính phủ đã trình Quốc hội. Doanh nghiệp du lịch và chuyên gia đều kỳ vọng chính sách visa mới sẽ được thông qua và áp dụng trong thời gian sớm nhất.

Lợi ích kép

Trước đó, trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất quy định thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá ba tháng. Thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ không quá 15 ngày lên không quá 45 ngày.

Tour tham quan trụ sở HĐND, UBND TP.HCM thu hút du khách quốc tế dịp lễ 30-4.

Ảnh: THU TRINH

Đây là điều mà các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia cho rằng hợp lý và cần áp dụng sớm nhất có thể, càng chậm càng mất cơ hội của ngành du lịch. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, rất kỳ vọng Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng này và trong tháng 7 chính sách visa mới sẽ được áp dụng.

Ông Thành cho biết nếu chính sách được áp dụng vào tháng 7, đối với thị trường gần, khách quốc tế vẫn lên kế hoạch đến VN nhưng thị trường xa như châu Âu họ đã lên kế hoạch trước đó từ sáu tháng đến một năm, không thể nào tháng 7 mở mà tháng 8, 9 họ lại đi du lịch đến VN.

Theo ông Thành, lâu nay doanh nghiệp “thèm” một chính sách visa cởi mở hơn. Sự thay đổi này mang lại cơ hội lớn cho du lịch Việt, lượng khách vào tăng lên kích cầu được nhiều ngành nghề, nhiều dịch vụ như ăn uống, mua sắm...

“Thời gian lưu trú dài ắt chi tiêu sẽ tăng, đồng nghĩa với việc nguồn thu ngoại tệ tại chỗ cũng tăng lên. Và nếu xuất nhập cảnh được nhiều lần, khách quốc tế không chỉ đi du lịch xuyên Việt mà còn xuyên Đông Dương. Còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, VN sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực” - ông Thành nói.

Đồng tình, PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng khách quốc tế sẽ nhìn nhận VN có phải là điểm đến hấp dẫn hay không, điều đầu tiên là từ chính sách visa. Độ mở về chính sách visa theo đề xuất của Chính phủ là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch VN và lữ hành của điểm đến.

Sau khi Quốc hội thông qua chính sách visa cởi mở hơn sẽ hút du khách quốc tế. Khi thời gian lưu trú của họ ở VN được lâu hơn kéo theo chi tiêu của du khách lớn hơn. Chúng ta sẽ đạt lợi ích kép là vừa tăng số lượng khách vừa tăng mức chi tiêu của khách.

Đặc biệt, tăng số ngày lưu trú lên ba tháng ở các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Ý, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… bởi khách càng ở lâu càng chi tiêu nhiều.

Rất nhiều quốc gia đã và đang tạo đòn bẩy du lịch hiệu quả từ chính sách visa. Điển hình như Singapore - đất nước có chính sách thị thực hàng đầu thế giới. Gần đây, Singapore công bố chính sách “visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn năm năm.

Chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, VN sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực.

Đơn giản hóa thủ tục xin visa, nâng chất lượng dịch vụ du lịch

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours, đánh giá chính sách visa mới là điểm cộng cho ngành du lịch, là điều cần thiết và VN cần tranh thủ tận dụng cơ hội có được.

Song song đó cần làm ngay đơn giản hóa thủ tục, thủ tục xin visa on arrival (thị thực tại cửa khẩu) cần đơn giản, thuận tiện mới thu hút được khách nhà giàu, nhiều tiền. Hiện nay, thủ tục xin visa on arrival vẫn phải qua một công ty trung gian khiến đội phí lên và mất thời gian của du khách nên du khách khó có thể “xách ba lô lên và đi”.

“Tuy vậy, tôi cho rằng chính sách visa không phải là chiếc đũa thần, đây cũng không phải là rào cản lớn nhất của ngành du lịch. Như nước Mỹ, họ không miễn visa nhiều nước nhưng du khách vẫn xếp hàng dài để được đi. Vì sao họ làm được như thế? Chúng ta đừng ngồi chờ khách khi chính sách visa đã mở, việc cấp bách là nâng chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ và tinh thần dịch vụ, không “chặt chém” và niềm nở với du khách” - ông Mỹ nói.

Theo ông Mỹ, tăng chi tiêu từ du khách bằng cách có thêm sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ theo hướng khác biệt, độc, lạ; tổ chức các dịch vụ chuyên biệt pháp luật không cấm vào buổi tối; khai thác hiệu quả nguồn chi tiêu từ hàng lưu niệm, hàng thủ công và sản phẩm tự nhiên, hữu cơ; đặc trưng của địa phương...

Trong khi đó, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, đề xuất thêm cần có chính sách visa riêng cho từng thị trường. Theo ông Vũ, khi mức chi tiêu của du khách toàn cầu còn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch thì việc lựa chọn điểm đến phụ thuộc vào sự thuận tiện, dịch vụ và chất lượng du lịch.•

Nhiều điều cần làm ngoài chính sách visa

Năm 2023, ngành du lịch VN đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, cho biết bên cạnh một chính sách visa mở rộng đối tượng để du khách quốc tế đến VN dễ dàng hơn thì ngành hàng không cũng góp phần rất quan trọng và cần nhanh chóng mở lại.

VN nên mở mới nhiều đường bay kết nối các thị trường khách và điểm đến. Về đơn vị lữ hành, khách sạn, cần có những chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nhân sự.

“Chúng ta cần chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có chiến lược tại các thị trường trọng điểm, đầu tư làm mới sản phẩm, nâng cấp dịch vụ và có cơ chế quản lý giá trần. Tránh tình trạng kinh doanh chộp giật, đầu tư tràn lan không theo quy hoạch” - ông Vũ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới