Bóng đá Long An từ thời ông Bảy Nô làm giám đốc Sở TDTT kiêm trưởng đoàn rất hay bị “bắt nạt”. Hồi đó thời bao cấp đá bóng trên bàn, đội ông Bảy Nô hay bị chọc là đội bóng nhường điểm ở lượt đi rồi đến lượt về bị xù điểm thế mà vẫn cứ chơi kiểu Hai lúa.
Cái thời mà giới bóng đá hay chế giễu nhau với câu vè “Keo như Phán, làng như Thì, lì như Lộc, cọc như Tám Đông, long đong như Tư Minh…” hay dùng từ “liên minh ma quỷ” đề nói về những vòng luẩn quẩn của bóng đá tình nghĩa thì Long An hay bị “lừa” rồi bị đẩy đi chung kết ngược nhất.
Sang đến thời tỉnh Long An giao đội bóng cho ông Võ Quốc Thắng và Gạch Đồng Tâm quản lý từ năm 2002 thì đội Long An đổi sang tên Đồng Tâm Long An vẫn bị các đàn anh chọc là “tơ”. Nhưng trong cái “tơ” đấy, Đồng Tâm Long An may mắn ở chỗ họ có hướng đi riêng và làm bóng đá không chạy theo kiểu lấy tiền mua danh. Bầu Thắng hồi đó vẫn dạy cầu thủ đá bóng bằng cái tình và nhìn những người dân Long An có bác xích lô mua tấm vé bằng cả ngày quần quật đạp xe. Hay người nông dân chân lấm tay bùn bán vài giạ lúa mới có được chiếc vé xem bóng đá. Bầu Thắng hay lấy tấm gương từ chính cha mẹ các cầu thủ là người Long An chân chất để đòi hỏi những cầu thủ của mình đá bóng trước hết là vì khán giả, vì người hâm mộ và hơn hết là vì người dân Long An.
Tất nhiên với một ông bầu kịch liệt lên án chuyện “rửa tiền” trong bóng đá hay dùng tiền tỉ để mua cầu thủ, mua thành tích và thậm chí là mua trọng tài, mua cả ban tổ chức thì làm gì có chuyện “biết điều với trọng tài”. Điều mà nhiều ông bầu bước vào thương trường bóng đá vẫn để cho cấp dưới làm cho đội bóng mình dễ đá dễ có thành tích rồi từ thành tích lại đẻ ra nhiều kiểu kiếm tiền ngoài bóng đá nuôi lại bóng đá.
Thời Đồng Tâm Long An, dù hai lần vô địch nhưng Long An vẫn nổi tiếng là đội bóng chân chất, không dùng tiền mua chức vô địch. Ảnh: XUÂN HUY
Bầu Thắng may mắn có ông Calisto nên nhiều lúc bơi ngược dòng chảy mà vẫn lên ngôi vua năm 2005, 2006. Bây giờ thì đội Long An đuối nước thật rồi. Ảnh: XUÂN HUY
Cũng giới bóng đá từng chia sẻ với nhau rằng bầu Kiên từng tuyên bố “1 đồng cho trọng tài tôi cũng không chi” thì có người khen, có người không tin. Còn với bầu Thắng thì dù ông không tuyên bố ồn ào nhưng cả giới bóng đá và trong chính giới trọng tài cũng xác định là họ tin ông bầu này không bao giờ làm điều đấy cả qua cái cách ông làm với đội bóng và dạy cầu thủ.
Nhắc lại chuyện Long An xưa và Long An thời bầu Thắng để trở lại với Long An bây giờ rằng vì sao họ cứ hay bị trọng tài ép?
Kể từ khi làm chủ tịch HĐQT VPF, bầu Thắng dù không còn là người quản lý đội Long An nhưng dù gì thì đội bóng này cũng được ví như máu mủ của ông. Thế thì cái uy của ông ít ra vẫn còn nhưng tại sao ngay cả trận ông ngồi dự khán xem Long An đá với TP.HCM trên sân Thống Nhất thì đội bóng cũ của bầu Thắng vẫn bị đè ngửa? Rồi mới đây là trận tiếp FLC Thanh Hóa ngay tại Long An. Lại vẫn là những ưu ái cho đội khách giàu tiềm lực và bạo chi đến độ ai hiểu bóng đá một tí cũng thấy cán cân của trọng tài nghiêng hẳn về đội khách mặc cho chủ nhà Long An gồng lên nhẫn nhịn mà đá.
Thực tế thì trong 14 đội mạnh đá V-League Long An là đội mà ở trên có nhiều quan trong VPF hay VFF nhưng lại chẳng có ký lô nào với ma trận ở V-League. Họ là đội bóng nghèo nhất đến độ nhiều tuyển thủ thải ra từ nhiều đội thì họ ôm về với mức lương vừa phải và không mất phí chuyển nhượng. Long An cũng là đội cầu thủ có tiếng một tí thì bị các đội khác bắt đi nhưng đến khi về già không ai nhận thì Long An lại dang tay đón nhận.
Cách làm bóng đá của Long An rất chừng mực, chi li và có bao nhiêu xài bấy nhiêu nhưng lại là cách làm bóng đá chịu rất nhiều thiệt thòi ở V-League. Nơi mà có nhiều ông bầu họ đầu tư cho bóng đá có khi không phải vì yêu bóng đá mà là vì những lợi nhuận, những dự án với địa phương rồi có nghĩa vụ nuôi lại đội bóng.
Hơn ai hết những người như bầu Thắng hiểu rất rõ đường đi nước bước của V-League và những vòng tròn khép kín trong ma trận đấy nhưng đau cho họ là không thể bơi ngược với dòng chảy xiết mà bây giờ nhiều người hay nói: “Bóng đá Việt Nam nó thế!”.