Hè năm 2017, Dương Quốc Bảo khi ấy đang là sinh viên năm cuối tại ĐH Ngoại ngữ Huế nhận thấy tình trạng trẻ em nông thôn bị thua thiệt hơn so với các bạn TP trong việc tiếp cận ngoại ngữ. Bảo cùng hai sinh viên ĐH Ngoại ngữ Huế nảy ý tưởng mở lớp học cộng đồng miễn phí cho trẻ em quê mình tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.
Thầy giáo trẻ Dương Quốc Bảo với ước mơ đem tiếng Anh đến trẻ em nghèo. Ảnh: NVCC
Chữ “duyên” trên con đường đến với nghề dạy
Dù Bảo không xuất thân từ nghề giáo nhưng niềm đam mê đứng trên bục giảng đã được hình thành ngay từ lúc nhỏ. Thầy giáo trẻ nhớ lại có lần vì muốn được đứng lớp dạy thay cô, cậu đã thức trắng hai đêm tự soạn giáo án, đứng trước gương luyện nói, may mắn được cô cho phép và tiết học diễn ra suôn sẻ.
Từng đi nhiều nơi, tiếp xúc với bạn bè quốc tế, chàng thanh niên nhận ra tiếng Anh là một công cụ rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập nhưng nhìn lại trẻ em quê mình muốn học cũng khó có cơ hội.
“Nhiều người bạn hỏi mình tại sao lại thích dạy trẻ em nhưng mình chỉ cười và xem đó như là cái duyên, vì lúc nhỏ đã thích được chơi và gần gũi với tụi nhỏ” - Quốc Bảo chia sẻ.
Anh xúc động khi gặp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ đến lớn chưa từng biết tiếng Anh và chỉ khi lớp học cộng đồng mở ra các em mới có cơ hội tiếp cận với ngoại ngữ. Trong quá trình học, những đứa trẻ nhút nhát dần trở nên tự tin hơn khi đứng trước đám đông, nghe và hiểu được người nước ngoài nói gì.
Em Nguyễn Chí Toàn (14 tuổi), từng tham gia lớp học cộng đồng mỗi mùa hè, nhớ lại cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên nói chuyện với người nước ngoài: “Từ vựng của em chưa nhiều, phát âm còn nhiều chỗ sai nhưng nhờ các anh, chị sinh viên cứ động viên mạnh dạn nói, không cần đúng ngữ pháp, chỉ cần diễn đạt đúng ý của mình là được nên em cũng tự tin hơn”.
Lớp tiếng Anh vì cộng đồng miễn phí đã thu hút hơn 300 học sinh các cấp 1, 2, 3 tham gia vào mỗi dịp hè. Với châm ngôn “những gì xuất phát từ trái tim rồi sẽ chạm đến trái tim”, thầy giáo trẻ Dương Quốc Bảo cùng những cộng sự của mình trong dự án tiếng Anh vì cộng đồng cho biết từng nụ cười, sự hăng say học tiếng Anh của các em nhỏ ở làng quê chính là món quà tuyệt vời nhất mà người trẻ như mình có thể nhận lại được. |
Mang nhiệt huyết tuổi trẻ vào lớp học
Cô Hồ Thị Kim Quy, một trong những người đồng hành cùng dự án lớp học cộng đồng, cho biết lúc đầu thực hiện dự án gặp muôn vàn khó khăn. Từ việc phụ huynh chưa tin tưởng vào khả năng giảng dạy của nhóm đến việc học sinh vùng quê chưa quen với việc giao tiếp bằng tiếng Anh, nhiều em sợ sai sẽ bị các bạn cười. Nhiều lần nhóm phải tự bỏ tiền túi để mua bánh, kẹo “dụ” trẻ đến học rồi tổ chức trò chơi lồng ghép cùng các phần quà khuyến khích thì không khí lớp học mới dần thay đổi.
Phương pháp giáo dục ở lớp học cộng đồng chủ yếu là giao tiếp, nhập vai đóng vai các đoạn hội thoại, tái hiện những chương trình nổi tiếng như rung chuông vàng, giọng hát Việt… Áp dụng tiếng Anh vào khiến việc học trở nên gần gũi hơn với các bạn nhỏ. Các tiết học được xây dựng theo từng chủ đề, ví dụ như học về cỏ cây, thiên nhiên các em sẽ học ở không gian bên ngoài lớp học. Các em cũng sẽ được nghe nhiều bài hát bằng tiếng Anh, những đoạn phim ngắn với các câu thoại dễ nhớ để khắc sâu hơn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, cải thiện kỹ năng nói, phản xạ tiếng Anh.
Sau mỗi buổi học, nhóm tổ chức nhiều hoạt động thú vị như hùng biện tiếng Anh, thuyết trình, ca hát… để rèn luyện sự tự tin, lưu loát trước đám đông. Thiết kế những tiết học cho học sinh được trực tiếp trò chuyện với người nước ngoài.
Em Lê Thị Khánh Nhàn (12 tuổi) chia sẻ: “Lớp học rất vui, vừa được học trong lớp, vừa được ra sân trường. Em thích nhất là được tham gia đóng vai các nhân vật và trò chuyện bằng tiếng Anh. Các trò chơi giúp em củng cố nhiều kiến thức và nhớ thêm nhiều từ vựng mới, khi trả lời đúng còn được nhận quà nữa. Sau lớp học này, tiếng Anh với em không còn đáng sợ chút nào. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành hướng dẫn viên du lịch”.•