Tại buổi họp báo chiều 29-6, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an, cho biết sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử lý theo quy định vụ hai thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài.
Thiếu tướng Trần Đình Chung cũng giải thích rằng từ "lộ" được sử dụng trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và căn cứ vào luật thì chỉ có khái niệm "lộ" chứ không có khái niệm "lọt".
Có nhiều ý kiến cho rằng vụ việc này là làm lộ đề thi, nhưng có ý kiến đây là lọt đề thi. Vậy lọt và lộ đề thi được luật quy định ra sao?
Đề thi lọt ra ngoài được chia sẻ khắp các trang mạng, trước thời gian thí sinh được phép rời khỏi phòng thi trong môn thi Văn sáng 28-6. |
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Điều 1 Quyết định số 809/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực GD&ĐT đã quy định đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT... nằm trong danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật.
Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nếu chưa công khai thì nằm trong danh mục bí mật của nhà nước độ tối mật. Do đó, nếu đề thi tốt nghiệp THPT lan truyền trên mạng trong quá trình thí sinh đang thi, làm lộ ra bên ngoài và chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố thì có thể bị coi là có hành vi làm lộ bí mật của nhà nước.
Theo LS Trần Minh Hùng, căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP việc làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia có thể bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự về các tội như cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 337 BLHS hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 338 BLHS.
LS Trương Văn Tuấn cũng cho rằng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 chỉ sử dụng từ "lộ" đề thi; trong các văn bản pháp luật hiện nay cũng không có khái niệm "lọt" đề thi.
Có quan điểm cho rằng khi đề thi tốt nghiệp THPT đã được bóc, mở theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Quy chế thi THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT ban hành theo Thông tư 15/2020/TT- BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 06/2023/TT- BGDĐT thì đề thi này không còn là tài liệu mật. Vì thế, hành vi này được xử lý như là hành vi gian lận thi cử (một hành vi bị cấm theo Điều 22 Luật Giáo dục 2019). Hành vi gian lận thi cử của giáo viên và học sinh sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021; hoặc xử lý kỷ luật theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
LS Trần Minh Hùng cũng cho rằng pháp luật chưa có quy định về hành vi làm lọt đề thi nhưng có thể hiểu lọt đề thi là đề thi được phát tán ra bên ngoài sau khi mở túi niêm phong và phát cho thí sinh.
Theo quy định, sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, thí sinh mới được rời khỏi phòng thi nhưng trước khi hết thời gian làm bài, đề thi bị đưa ra ngoài thì được coi là hành vi làm lọt đề thi. Trường hợp lọt đề thi không làm ảnh hưởng đến kết quả làm bài thi của các thí sinh. Người làm lọt đề thi, tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.