Số người chết do lũ lụt kinh hoàng ở Libya không ngừng tăng. Tính đến sáng 13-9 (giờ địa phương) số người chết được ghi nhận hơn 6.000, đài CNN dẫn lời ông Saadeddin Abdul Wakil - Thứ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya.
Tuy nhiên trả lời đài Al Arabiya, ông Abdulmenam al-Ghaithi - thị trưởng thành phố Derna (nơi bị lũ ảnh hưởng nặng nhất) - ước tính số người chết thực sự có thể còn cao hơn, từ 18.000 đến 20.000.
|
Hình ảnh vệ tinh chụp thành phố Derna (Libya) trước và sau khi bị lũ lụt ảnh hưởng. Ảnh: PLANET |
Còn khoảng 10.000 người đang mất tích. Những người này có khả năng bị cuốn ra biển hoặc bị chôn vùi dưới các đống đổ nát.
Ngày 13-9, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết hơn 30.000 người đã phải sơ tán do lũ lụt ở thành phố Derna. Lũ lụt cũng khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng và gây khó khăn cho các đội cứu hộ trong việc tiếp cận.
Hệ thống thông tin liên lạc tại Derna vẫn đang gặp trục trặc. Hiện chỉ có 2 trong số 7 cửa ngỏ vào thành phố Derna là còn có thể tiếp cận.
Thi thể quá nhiều, chôn cất khó khăn
Bộ trưởng Nội các Libya Adel Juma cho biết nước này đã lập Ủy ban Tử đạo với nhiệm vụ xác định người mất tích và thực hiện các thủ tục chôn cất theo luật Sharia (luật của người Hồi giáo), cũng như theo tiêu chuẩn pháp lý. Tuy nhiên việc này không dễ khi số người chết quá nhiều và không ngừng tăng.
“Thi thể ở khắp mọi nơi, trong nhà, trên đường phố, trên biển. Bất cứ nơi nào bạn đi, bạn đều thấy đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết” - CNN dẫn lời ông Emad al-Falah - một nhân viên cứu hộ tại Libya.
Theo một nhân viên cứu hộ khác tại Derna - ông Ahmed Abdalla, “tình hình thật không thể diễn tả được, nhiều người thiệt mạng trong thảm họa này, nhiều thi thể đã bị cuốn trôi ra biển. Ông Abdalla cho hay đội của ông phải chôn cất tập thể nhiều thi thể trong cùng một ngôi mộ ở nghĩa trang. Thành phố Derna hiện chỉ còn 1 nghĩa trang duy nhất là chưa bị nước lũ ảnh hưởng.
Ngoài người dân địa phương, theo hãng tin AP, lũ lụt cũng khiến nhiều công dân nước ngoài sinh sống tại Libya thiệt mạng. Trong số này có các công dân của Ai Cập. Theo đó, nhà trách nước Ai Cập cũng vừa cho chôn cất 87 công dân nước này chết ở do lũ lụt tại Libya.
|
Một ô tô bị đất cát nhấn chìm tại thành phố Derna (Libya). Ảnh: ANADOLU AGENCY |
“Chúng tôi đang kêu gọi tất cả bên liên quan và các cơ quan viện trợ quốc tế can thiệp nhanh chóng, để chấm dứt tình trạng thảm khốc này” - bác sĩ Aisha, một tình nguyện viên tham gia cứu hộ nạn nhân tại Derna trao đổi với CNN.
“Số người chết rất cao. Hiện nay, chúng tôi không thể xử lý hoặc chôn cất những thi thể. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp, giúp cất giữ những thi thể này vào tủ đông. Chúng tôi đang giúp xác định DNA của những thi thể này” - bác sĩ Aisha nói.
Viện trợ quốc tế đổ về Libya
Viện trợ và lực lượng cứu hộ quốc tế đang đổ về Libya.
Ngày 13-9, Tunisia cử một đội tìm kiếm và cứu hộ gồm khoảng 52 người và 4 chó nghiệp vụ, theo hãng thông tấn TAP.
Hãng thông tấn LANA (Lybia) cho biết trong ngày 13-9 có 8 máy bay của quân đội Algeria chở hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm, vật tư y tế, quần áo và lều bạt tới Libya.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Đức, Romania và Phần Lan đã gửi lều, giường dã chiến, chăn, 80 máy phát điện, thực phẩm và bể chứa nước thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự của khối.
EU cũng đã cấp khoản viện trợ nhân đạo ban đầu trị giá 500.000 euro (540.000 USD), sau khi chính quyền Libya kêu gọi quốc tế viện trợ.
|
Một khu nhà bị lũ lụt tàn phá ở thành phố Derna. Ảnh: REUTERS |
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chở viện trợ nhân đạo đã đến Libya vào ngày 12-9. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ cử 168 đội tìm kiếm, cứu hộ và viện trợ nhân đạo tới Lybia.
Hôm 12-9, Cục Bảo vệ Dân sự Ý cho biết nước này đang cử một đội cứu hộ đến hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm.
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - ông Mohammed bin Zayed Al Nahyan cũng đã chỉ đạo cử các đội viện trợ, tìm kiếm và cứu hộ đến Libya.