Lư Nhất Vũ - Người con của đất phương Nam

Đầu tháng 10, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ra mắt tập bài hát Bài ca Đất Phương Nam với hơn 900 trang in bao gồm các thể loại ca khúc, trường ca, hợp xướng, nhạc cảnh, nhạc múa, nhạc sân khấu… Có thể coi đây là tuyển tập hơn nửa thế kỷ sáng tác của người nhạc sĩ sắp tới ngưỡng bát tuần này.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã có phần chậm chạp hơn nhưng tính tình vẫn vui tươi như thời thanh niên. Vài năm nay, hai vợ chồng anh (vợ là nhà thơ Lê Giang) về tạm cư ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) với không khí trong lành, vừa giữ gìn sức khỏe vừa có điều kiện tập trung cho sáng tác. Thỉnh thoảng vào Sài Gòn, anh chị thường í ới bạn bè…

Lượm lặt câu hò

Còn nhớ vào tháng 7-1987, đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ dẫn đầu về huyện Bến Cát (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Trưa hôm ấy, chúng tôi đến xã Định Thành. Xã có một thị trấn nhỏ mang tên Dầu Tiếng. Địa danh Dầu Tiếng đã đi vào tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài với những số phận cực khổ của người phu cao su. Tại đây có một đồn điền cao su lâu đời của thực dân Pháp - đồn điền cao su Michelin, nay là Công ty Cao su Dầu Tiếng.

Tại trụ sở xã, anh Năm (tên gọi thân mật của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) giới thiệu công việc với chị Đặng Thị Xâu - cán bộ văn hóa xã: “Tụi tui đi tìm các bà mẹ, các ông cụ biết hò, biết hát đưa em, chúng tôi xin các làn điệu đó đem về làm của”.

Chị Năm Xâu lắng nghe, buột miệng: “Hò cấy lúa, hát đưa em đó hở? Tụi tui ở đây thiếu gì!”. “Đó, tụi tui muốn gặp những người như vậy, chị ráng ủng hộ tụi này nghen!”.

Lư Nhất Vũ - Người con của đất phương Nam ảnh 1

Bìa tập bài hát Bài ca Đất Phương Nam. Ảnh: TNT

Sáng hôm sau, người dân thị trấn Dầu Tiếng không giấu được sự tò mò khi thấy một đoàn người già có trẻ có, nam có nữ có, mang lỉnh kỉnh máy ảnh, máy ghi âm đi khắp các hang cùng ngõ hẻm xin gặp các cụ già.

Các má hát về đạo nghĩa làm người, về đôi bạn nghèo thương nhau…: “Anh thương em, thương bóng thương dáng, thương dạng thương hình. Thương từ bàn tay em rẽ mạ cặm xuống sình cũng thương… Tay em đây cầm nhánh bứa lụy ứa hai hàng. Phu lìa thê chắc chết, thiếp xa chàng thiếp đau… Đôi đèn tọa đăng khói đóng cây đèn lờ. Tui mắc mãi sầu người nghĩa, đèn tắt bao giờ tui chẳng hay…”.

Hạt ngọc tâm hồn

Đêm, trải chiếc chiếu ngả lưng tại trụ sở xã, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tâm tình: “Những câu hò như thế các ba, các má có rất nhiều. Mỗi câu hò là một cảnh ngộ trong cuộc đời, làm nên bởi một số phận cụ thể với bao thương cảm trong lòng. Đó là những hạt ngọc làm đầy thêm kho báu dân ca của dân tộc, làm đầy thêm tâm hồn của dân tộc. Những làn điệu dân ca là những hạt ngọc tâm hồn của dân tộc đó”.

Chuyến sưu tầm dân ca trên đất Sông Bé kéo dài hai năm 1987-1988. Đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ lang thang qua các xóm làng như những người du mục. Rồi phần làm hậu kỳ rã băng, ký âm, phân tích, chọn lọc… cũng mất khá nhiều thời gian.

Bài ca Đất Phương Nam được Lư Nhất Vũ tuyển chọn trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của mình sáng tác từ 1955 đến 2012. Có thể nói qua hơn nửa thế kỷ sáng tạo, tác giả đã khẳng định những đóng góp của mình cho nền âm nhạc Việt Nam dân tộc - hiện đại với tính tiên tiến và nhân văn, trong đó biểu hiện rõ nét âm điệu vùng đất phía Nam của Tổ quốc...

Nhạc sĩ CA LÊ THUẦN

Qua chuyến đi mới hiểu vì sao ở người nhạc sĩ dáng người mảnh khảnh ấy lại có đủ sức mạnh thực hiện những đợt sưu tầm dân ca khắp Nam Bộ với thời gian dài chiếm gần hết cuộc đời ông. Năm 2009, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nhạc sĩ có nhiều công trình nghiên cứu thể loại nhạc dân ca nhất Việt Nam”.

Mảng sáng tác ca khúc cũng đưa tên tuổi ông lừng lững ở một góc trời riêng không ai sánh được, với các bài hát mang âm hưởng dân ca xúc động lòng người. Các ca khúc của ông đã hòa vào nhịp đập trái tim bao thế hệ: Lòng em như hoa hướng dương, Chiều trên bản Mèo, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bên tượng đài Bác Hồ, Khúc hát người đi khai hoang, Hãy yên lòng mẹ ơi, Kiên Giang mình đẹp lắm, Bài ca đất phương Nam…

Cuối chuyến sưu tầm dân ca Sông Bé năm đó, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đưa chúng tôi trở về ngôi nhà cũ tuổi thơ của mình ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Tiết trời đã vào xuân, ấm áp, dễ chịu. Đưa chúng tôi thăm khắp lượt trong nhà ra vườn, anh Năm bồi hồi nhớ lại chính tại nơi này năm 13 tuổi anh bắt đầu bõm bẽm học nhạc. Ba anh mua cho cây măng-đô-lin và mẹ mua cho cây kèn harmonica… Anh tập tành sáng tác, bước từ ngôi nhà quê hương riêng ra ngôi nhà quê hương chung của dân tộc.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh năm 1936 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tốt nghiệp khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội). Nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM.

Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, huân chương Lao động hạng Nhất…

Các công trình nghiên cứu về dân ca của ông đã xuất bản gồm dân ca các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Cửu Long, Trà Vinh, Sông Bé, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Dân ca người Việt ở Nam Bộ, Hát ru Việt Nam, Hò trong dân ca người Việt, Lý trong dân ca người Việt…

_____________________________________________

Đã đến lúc đập “ống” ra

. Xin chúc mừng tập nhạc Bài ca Đất Phương Nam được ra mắt trong tình hình âm nhạc hiện nay có nhiều thị hiếu và kén chọn. Điều gì thôi thúc anh thực hiện tập nhạc?

+ Tập nhạc Bài ca Đất Phương Nam là niềm mơ ước không biết bao lâu rồi. Tôi như một người thích được “bỏ ống” tác phẩm của mình, thích được nâng niu những đề tài từng gây xúc cảm trên đường đời. Thậm chí có nhiều thử thách sáng tác phục vụ cho phù hợp. Tuy nhiên, tôi luôn kỹ lưỡng trong việc cho ra đời những đứa con tinh thần, coi đó là gia tài quý báu của đời một nhạc sĩ… Bài ca Đất Phương Nam đã đến lúc được xem là những gì mình “bỏ ống” được đập “ống” ra để dâng tặng quê hương…

. Xin tò mò một chút, nguồn vốn nào giúp anh có thể in được cuốn sách dày như vậy?

+ Tôi biết không nhà xuất bản nào chịu mạo hiểm tiền bạc in tập nhạc Bài ca Đất Phương Nam của tôi, cho nên gia đình tôi phải chắt mót tiết kiệm phần tiền nhuận bút của mình trên 10 năm nay. Chúng tôi may mắn được Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM cưu mang nhiệt tình, chăm sóc chu đáo… Bài ca Đất Phương Nam cũng được các hiệu sách và bạn bè đồng nghiệp vui vẻ đón nhận. Con trai chúng tôi là nhạc sĩ Lê Anh Trung suốt bốn năm ròng trình bày và kẻ nhạc.

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm