Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa cho biết cuối tháng 4 Hội đồng thẩm định nhà nước đã phê duyệt hồ sơ mời thầu gói tư vấn thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo đó ngày 21-5, Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư - Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
“Hiện tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đang làm các thủ tục tiếp theo để lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hoàn thiện báo cáo thẩm định sơ bộ để trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước…”- Bộ KH&ĐT cho hay.
Trong quy hoạch hệ thống đường sắt quốc gia được Bộ GTVT xây dựng cũng nêu sẽ đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao. Ảnh: PLO.VN
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT đề xuất thực hiện phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm chủ yếu để chạy tàu hàng; đồng thời, xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h (chỉ chở khách, không chở hàng).
Lộ trình dự án được xây dựng theo hai giai đoạn với số tiền khoảng 1,35 triệu tỉ đồng (hơn 58,7 tỉ USD). Trong đó, giai đoạn 1 của dự án (dự kiến từ năm 2020 đến 2032), đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM với số vốn khoảng 567.200 tỉ đồng, chiều dài 651 km. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2032 đến 2050), đầu tư các đoạn còn lại với số tiền khoảng 783.100 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành, Bộ GTVT dự kiến hành khách đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ.
Để tiện cho tư vấn thẩm tra so sánh các phương án, mới đây Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT sung thêm phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với dải tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, song chở được cả hành khách và hàng hóa.
Tuy nhiên, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông Vận tải (Tedi - cơ quan tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam) cho rằng vấn đề này cũng được đặt ra trong quá trình nghiên cứu dự án. Theo đó, tuyến đường sắt 160 - 200 km/h không phải là công nghệ đường sắt tốc độ cao (thiết bị sử dụng cho dự án hoàn toàn khác).
Trong khi đó, chiến lược phát triển của ngành đường sắt mà Chính phủ đã phê duyệt đã xác định xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với hạ tầng thiết kế chạy tàu đạt tốc độ 350 km/h.
Cạnh đó, khi có tuyến đường sắt tốc độ cao, thì tuyến đường sắt cũ sẽ dành chạy tàu hàng, không cần thiết đầu tư thêm tuyến đường sắt mới để chở hàng…
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tư vấn sẽ thực hiện thẩm định 8 nội dung của dự án. Đáng chú ý là sự cần thiết để thực hiện đầu tư; tác động của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư); phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn... |