Lừa đảo qua điện thoại: 'Trò' xưa vẫn lừa được 'khối người'

Cuộc điện thoại mất hơn 400 triệu đồng

Trường hợp mắc bẫy lừa mới đây nhất là câu chuyện của chị NH (thường trú tại quận 1).

Theo lời trình báo của chị H. tại công an phường 5, quận 3, ngày 28-6, chị nhận được tin nhắn thoại qua điện thoại bàn thông báo chị nợ tiền cước điện thoại với số tiền nợ là 8.930.000, tin nhắn thoại yêu cầu nếu nghe không rõ thì bấm phím 9 để nghe lại hoặc bấm phím 0 để được hướng dẫn.

Thắc mắc mình không nợ cước, lại là số tiền lớn đến vậy, chị H. tiếp tục làm theo hướng dẫn. Sau đó, cuộc gọi của chị được chuyển cho hai người khác, hai người này tự xưng là trung úy công an và một phó viện kiểm sát, thông báo số tiền trong tài khoản của chị có liên quan đến đối tượng mua bán trái phép chất ma túy.

Hai người này yêu cầu chị phải hợp tác điều tra bằng cách rút toàn bộ số tiền đang gửi ở các ngân hàng, chuyển vào tài khoản của cơ quan công an xác minh nguồn gốc. “Trong vòng 48 giờ, nếu làm rõ bà H. không phạm tội, chúng tôi sẽ chuyển trả số tiền trên”.

Còn nếu không làm theo yêu cầu, chị sẽ bị bắt giam ba tháng để phục vụ công tác điều tra. Nghe đến việc bị bắt giam, chị H. rất lo sợ, ngay lập tức chị đã tới ngân hàng chuyển 410.000.000 đồng vào số tài khoản trên. Về đến nhà, nghi ngờ mình bị lừa nên chị đã tới Công an phường 5, quận 3 trình báo.

Chiêu trò “lừa đảo qua điện thoại” này đã từng được công an, báo chí liên tục cảnh báo từ cuối năm 2014. Cụ thể, thủ đoạn của chúng là dùng hộp thư thoại phát tán cuộc gọi vào điện thoại bàn, báo nợ cước VNPT.

Làm sao thoát khỏi “mê hồn trận”?

“Thứ nhất, với những cuộc gọi thoại thông báo nợ cước điện thoại, người dân không cần suy nghĩ mà phải cúp máy ngay lập tức. Vì đây là thông tin lừa đảo. Các công ty điện thoại chỉ gửi thư để thông báo nợ cước chứ không sử dụng hộp thư thoại.

Thứ hai, công an làm việc không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Khi yêu cầu người dân làm việc, công an sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc” - Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3, khẳng định.

Lừa đảo qua điện thoại: 'Trò' xưa vẫn lừa được 'khối người' ảnh 1
Băng nhóm lừa đảo qua điện thoại từng bị công an bắt. Ảnh: VGP/Đặng Tâm

Trong sáu tháng đầu năm 2016, quận 3 xảy ra ba vụ lừa đảo qua điện thoại với thủ đoạn tương tự trên. Công an quận 3 đã khám phá thành công hai vụ, bắt giữ 11 đối tượng, trong đó có một đối tượng là người nước ngoài (Đài Loan - Trung Quốc).

Công an quận 3 khuyến cáo ngay khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần tới cơ quan công an gần nhất trình báo để công an kịp thời yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản, không cho kẻ lừa đảo rút tiền.

Để ngăn chặn trò lừa đảo này không tiếp tục tái bùng phát, tránh những tổn thất cho người dân trong thời gian tới, cần có sự chung tay của nhiều đơn vị. Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra rà soát thành phần sinh hoạt tổ dân phố.

Theo Công an quận 3 đánh giá, những người bị mắc bẫy kẻ lừa đảo qua điện thoại đa phần là bà nội trợ, những người lao động… lại không tham gia sinh hoạt tổ dân phố nên không nghe thông tin cảnh báo hoặc cá biệt có trường hợp có nhận thông tin cảnh báo nhưng không đọc nên vẫn bị mắc lừa.

Vì vậy, mỗi địa phương cần xem lại cách tuyên truyền, nội dung tuyên truyền đã thực sự cụ thể về phương thức, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo và thực sự thu hút sự quan tâm của người dân hay chưa. Nếu công tác tuyên truyền không trúng đối tượng, không sâu rộng thì sẽ không mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, những kẽ hở của ngân hàng trong công tác quản lý như: bảo mật thông tin khách hàng, xác minh giấy tờ của khách hàng khi họ đăng ký tài khoản… cũng là một yếu tố quan trọng.

“Trong những vụ án lừa đảo qua điện thoại mà Công an quận 3 thụ lý trước đó, có những vụ các đối tượng lừa đảo sử dụng giấy tờ giả để đăng ký mở tài khoản. Chính điều này cũng làm cho công tác điều tra của công an gặp khó khăn và mất thời gian hơn. Trong khi việc thu hồi tài sản cho người dân cấp bách, chậm một vài giây thôi đã là thời cơ để chúng rút hết tiền của nạn nhân” - Trung tá Lê Minh Lê trăn trở.

Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần có biện pháp để ngăn chặn việc phát tán những thông tin lừa đảo qua tin nhắn thoại đến khách hàng sử dụng điện thoại.

Báo công an kịp thời nên không mất 600 triệu đồng

Đó là câu chuyện của bà TTN xảy ra vào giữa tháng 11-2015. Cũng với thủ đoạn tương tự và số tiền chúng yêu cầu bà N. phải chuyển lên tới hơn 1 tỉ đồng.

Sau khi chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản như chúng yêu cầu, nghi ngờ bị lừa, bà N. đã vội vã tới Công an phường 9, quận 3 trình báo. Ngay lập tức, tài khoản của bà N. và tài khoản kẻ lừa đảo bị công an yêu cầu phong tỏa. Số tiền hơn 600 triệu đồng bà N. dự định chuyển tiếp cũng được ngăn lại kịp thời. “Nếu lúc đó không kịp thời báo công an, chắc số tiền đó cũng không cánh mà bay luôn rồi” - bà N. bàng hoàng nhớ lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm