Trong vài năm qua, các đội trẻ của Việt Nam thành công có lẽ nguồn gốc sâu xa ngoài việc các ông bầu, các trung tâm đào tạo tốt, còn phải kể đến các HLV cấp CLB đã tạo điều kiện cho nhiều cầu thủ trẻ ra sân thi đấu thường xuyên, đó chính là chìa khóa để bóng đá trẻ thành công.
Mùa 2018, mỗi CLB K-League 1 và 2 phải có một cầu thủ U-22 trong đội hình xuất phát.
Sẽ chẳng có được những Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Hà Đức Chinh, Xuân Mạnh, Văn Thanh… bản lĩnh và đá giỏi như thế nếu cấp CLB các HLV cứ “nhốt” họ mãi trên băng ghế dự bị.
U-23 Hàn Quốc trắng tay tại U-23 châu Á vừa qua (hạng tư) lập tức về nước họ đã chỉnh đốn ngay giải vô địch quốc gia ở K-League 1 và K-League 2.
U-23 Hàn Quốc (đỏ) trắng tay tại U-23 châu Á vừa qua.
Điều đáng nói là sự đồng lòng và trách nhiệm của các CLB khi thực thi nâng cấp đội tuyển quốc gia.
Mùa K-League 2018 của Hàn Quốc (K-League 1 và 2) có tổng cộng 811 cầu thủ đăng ký thi đấu thì trong đó có 442 cầu thủ ở K-League và 369 cầu thủ ở K-League 2.
Các CLB Hàn Quốc cũng tuân thủ “quota” ngoại binh của AFC, tức mỗi CLB có ba ngoại binh bất kỳ châu lục nào và một ngoại binh châu Á.
Điều đáng nói là sau lời “hiệu triệu” của LĐBĐ Hàn Quốc thì có cả thảy 221 cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi được đăng ký mùa tới, so với năm 2017 chỉ là 175.
Một chi tiết đáng chú ý là ngay khi thay đổi này, Hàn Quốc quyết liệt và “cứng rắn” bằng việc đưa điều này vào luật thể thao quốc gia, tức bắt buộc các đội phải thực thi. Mỗi CLB phải đăng ký hai cầu thủ trong danh sách mỗi trận đấu và “xoay tua” việc dùng cầu thủ trẻ này ở các giải K-League. Và trong đội hình xuất phát phải có ít nhất một cầu thủ trẻ bắt buộc.
Điểm khác biệt là khi đưa ra quy chế này, với nhiều nước… thì đó chỉ là quy định, “quy chế” mùa giải nhưng với Hàn Quốc thì họ đưa luôn nó vào luật thể thao quốc gia để các đội thực thi một cách triệt để và rốt ráo. Và một khi nó trở thành luật quốc gia thì cứ thế mà thi hành, chẳng thể biện minh cho bất kỳ lý do gì.