Ngày 24-8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2015-2025. Tiếp đó, ngày 25-8, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị triển khai đề án này. Đây là đề án được phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 1-6 của Thủ tướng Chính phủ.
Luật sư TGPL theo cơ chế đặt hàng
Đề án này hướng tới mục tiêu chung là đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp đặc thù từng vùng, miền, khu vực, tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL sẽ do luật sư đảm trách hết. Qua đó, bảo đảm các đối tượng được TGPL sẽ được cung cấp dịch vụ kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ pháp lý trên thị trường.
Cùng với mục tiêu này là chuyển đổi các trung tâm TGPL nhà nước thành cơ quan quản lý TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.
Đối với các luật sư tham gia TGPL, thực hiện chủ trương xã hội hóa, Nhà nước sẽ chi trả tiền bồi dưỡng theo vụ việc cho luật sư thực hiện TGPL theo yêu cầu của Nhà nước, trừ luật sư thực hiện TGPL theo nghĩa vụ mà Luật Luật sư quy định.
Tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM. Ảnh: Tự Trung
Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng tranh tụng, tăng mức bồi dưỡng vụ việc tố tụng bằng 40% mức chi trả tiền bồi dưỡng theo vụ việc đối với luật sư.
Đặc biệt, đề án xây dựng cơ chế lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có đủ điều kiện tham gia thực hiện TGPL theo cơ chế đặt hàng. Đến sau năm 2025, Nhà nước sẽ chuyển đổi có lộ trình các trung tâm TGPL của Nhà nước thành cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, còn dịch vụ TGPL sẽ do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện. Khi đó Nhà nước sẽ ký hợp đồng thường xuyên hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư.
Thù lao thấp có thu hút được luật sư?
Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng việc thu hút các luật sư giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, có bản lĩnh tham gia TGPL là rất khó khăn. Bởi luật sư hoạt động theo tổ chức xã hội - nghề nghiệp nên không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm khi tham gia TGPL. Mức thù lao mà đề án đặt ra cho luật sư cũng chưa đủ thu hút được luật sư có kinh nghiệm tham gia TGPL.
Ông Đặng Văn Nguyên, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, cho rằng nếu xã hội hóa công tác TGPL theo đề án này thì hoạt động của trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng sẽ chuyển sang cho luật sư nhưng kinh phí vẫn do Nhà nước chi trả. Điều này là bất cập.
Bà Bùi Thị Lệ Thủy, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật, trong đó có luật sư, tham gia TGPL là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét lại định hướng chuyển toàn bộ công tác TGPL sang cho luật sư sau năm 2025. Để có cơ sở thực hiện đề án, bà Thủy cho rằng Bộ Tư pháp cần trình Quốc hội thông qua Luật TGPL sửa đổi.
Đồng tình, ông Đinh Trọng Xá, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, cho rằng trước khi trình Quốc hội sửa Luật TGPL, cần phải tổng kết, rút kinh nghiệp công tác TGPL trong tám năm qua nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn đối với việc thực hiện đề án. Ông Hồ Văn Hùng thì kiến nghị sửa đổi Luật TGPL và các luật tố tụng liên quan để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong công tác giải thích quyền và nghĩa vụ của đối tượng được TGPL.
Đối với việc chuyển đổi biên chế dôi dư từ các trung tâm TGPL sang các cơ quan khác, các đại biểu đều lo ngại về tính khả thi của công tác này, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang thực hiện việc cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính.