“Luật sư (LS) được tham gia trong giai đoạn điều tra chủ yếu thuộc các trường hợp bắt buộc phải có LS, còn tham gia theo yêu cầu của thân chủ thì rất hạn chế và dễ bị khước từ không rõ lý do”. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về bảo đảm quyền bào chữa… do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức tại Đà Nẵng.
Quá ít luật sư tham gia vụ án theo yêu cầu
Đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết việc tham gia tố tụng của người bào chữa trong giai đoạn điều tra chủ yếu tập trung vào trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định của BLTTHS. Theo thống kê, từ năm 2010 đến tháng 9-2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã bắt, giam, giữ, khởi tố điều tra gần 4.000 vụ án với gần 7.000 người. Trong đó, chỉ có 830 trường hợp cơ quan CSĐT hai cấp ở Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS (chiếm tỉ lệ 12,3% so với tổng số người bị bắt tạm giam, tạm giữ). Trong 830 trường hợp này, có 749 trường hợp bắt buộc phải có LS, 81 trường hợp trợ giúp pháp lý, chỉ có 100 trường hợp là LS bào chữa theo yêu cầu của bị can (chiếm tỉ lệ 1,48% so với tổng số người bị bắt tạm giam, tạm giữ).
Theo Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh (Chánh tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng), từ 2010 đến 2015, TAND TP Đà Nẵng đã xét xử tổng cộng hơn 2.000 vụ án hình sự với hơn 3.100 bị cáo. Trong số này chỉ có 551 bị cáo có người bào chữa (chiếm tỉ lệ 17,76% so với tổng số bị cáo). Trong đó bào chữa theo chỉ định của tòa là 297 bị cáo, bào chữa theo diện trợ giúp pháp lý là 25 bị cáo, còn số bị cáo có LS bào chữa theo yêu cầu là 229 (chiếm tỉ lệ 7,38% so với tổng số bị cáo).
Theo Thẩm phán Cảnh, thực tế về tâm lý, các bị can, bị cáo đều muốn được bảo vệ nhưng các con số thống kê nói trên cho thấy số lượng bị can, bị cáo yêu cầu có người bào chữa vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp. Lý do có thể nhận thức người dân chưa cao. Họ chưa hiểu hết được vai trò của LS khi tham gia tố tụng, họ chưa có thói quen nhờ LS và thậm chí họ còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh tế để mời LS...
Về tâm lý, bị can, bị cáo đều muốn được bảo vệ nhưng số lượng bị can, bị cáo yêu cầu có người bào chữa vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp. Ảnh minh họa: D.HẰNG
Từ chối luật sư vì... bị dọa
Trong khi đó, các LS lại có những phản ánh khác khi lý giải về việc tại sao số lượng bị cáo, bị can yêu cầu có người bào chữa chiếm tỉ lệ rất thấp.
Theo LS Lê Xuân Hạt (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Đà Nẵng), rất nhiều trường hợp LS được gia đình nhờ bảo vệ cho con em họ đang bị tạm giữ, tạm giam nhưng khi LS đến làm thủ tục thì bị người bị tạm giữ, tạm giam khước từ không rõ lý do. Về mặt tâm lý thông thường, ai cũng muốn có người bảo vệ mình khi rơi vào hoàn cảnh ấy nên việc từ chối LS không rõ lý do đó rất bất thường. Từ đó LS Hạt khẳng định không loại trừ một số trường hợp họ bị áp lực tâm lý, không thể hoặc không dám đưa ra quyết định yêu cầu có người bào chữa cho mình và đã ký vào biên bản không cần người bào chữa.
LS Hạt dẫn chứng: “Bị can từ chối LS chủ yếu ở giai đoạn điều tra, khi chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử thì không gặp tình huống này. Sau này khi tiếp xúc với LS, nhiều nghi can giải thích là do bị điều tra viên dọa nếu mời LS thì “chỉ có tội nặng hơn” hoặc có nhiều hình thức o ép về tinh thần để bị can không dám mời LS”.
Đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng nhìn nhận một số điều tra viên chưa nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí của LS trong tố tụng nên e ngại sự có mặt của LS. Cũng có người cho rằng trong hoạt động điều tra nếu có LS tham gia thì việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn, hiệu quả điều tra không cao vì người bị tạm giam, tạm giữ, bị can dựa vào LS để khai báo không đầy đủ...
Vẫn có luật sư thiếu tận tâm Theo kiểm sát viên Ngô Phú Quảng (VKSND TP Đà Nẵng), vẫn còn một bộ phận nhỏ LS yếu tay nghề và chưa thực sự tận tâm với vai trò của mình trong vụ án. Ông Quảng ví dụ: Có LS được cấp chứng nhận bào chữa từ giai đoạn điều tra nhưng suốt quá trình điều tra vụ án đến khi chuyển hồ sơ qua VKS rồi chuẩn bị đưa ra xét xử, LS không hề đến CQĐT, không liên hệ làm việc với VKS, không gặp người bị tạm giam, tạm giữ. “Vậy nhưng vị LS này vẫn lập một bản luận cứ để bào chữa tại phiên tòa. Vấn đề này không phổ biến nhưng hoàn toàn có thật” - ông Quảng khẳng định. LS Phạm Xuân Tích (Đoàn LS TP Đà Nẵng) cũng cho biết nhiều trường hợp LS ra tòa chỉ để đọc bài luận cứ do trợ lý của mình soạn sẵn mà không màng tới diễn biến phiên tòa. Luật sư Tích dẫn chứng: Có vụ án VKS truy tố bị can về nhiều hành vi. Ra tòa, đại diện VKS đã rút lại một hành vi so với cáo trạng nhưng vị LS cứ cắm cúi đọc bài luận cứ mà quên mất diễn biến mới nhất này tại phiên tòa. “Pháp luật cần phải có quy định về trách nhiệm bồi thường của LS nếu LS thiếu trách nhiệm gây tổn hại cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo” - LS Tích đề xuất. |