70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM (10.10.1945 – 10.10.2015)

Có luật sư, án oan sẽ giảm!

Sau khi đăng tải những bài báo về các vụ án oan ghi đậm dấu ấn của luật sư, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) về vai trò của luật sư trong tố tụng nói chung và trong việc hạn chế oan sai nói riêng.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho hay: “Câu nói của cựu KSV Phạm Văn Núi (bị cáo trong vụ dùng nhục hình ở Sóc Trăng) được tường thuật trên Pháp Luật TP.HCM, rằng: “Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội. Khi còn ngồi công tố, tôi đối đầu với luật sư nhưng không thực sự nhận ra điều này” là một ví dụ sinh động nhất về vai trò của luật sư hiện nay”.

Giúp hoạt động điều tra tuân thủ đúng luật hơn

. Phóng viên: Thưa ông, như thế có nghĩa là khi có luật sư, tình trạng án oan sẽ được hạn chế?

+ Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Điều này hoàn toàn đúng! Bởi nếu có luật sư ngay từ đầu thì người bị bắt, bị can sẽ được trợ giúp để hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình. Họ sẽ ổn định được tâm lý. Lúc đó, việc khai báo của họ sẽ chính xác nhất về quá trình phạm tội (nếu có), họ sẽ có cơ hội lý giải những điều mình không thực hiện hoặc những vấn đề đang bị oan ức cần luật sư trợ giúp.

Mặt khác, có mặt luật sư ngay từ đầu chắc chắn không có điều tra viên nào lại lấy lời khai bằng hình thức bức cung, nhục hình. Ngược lại, sự có mặt của luật sư sẽ giúp cho việc chuẩn bị lấy khẩu cung của điều tra viên kỹ càng hơn, việc thu thập chứng cứ để đối chứng với lời khai sẽ được thực hiện đúng trình tự tố tụng. Khi đó luật sư còn là một kênh giám sát việc tuân thủ pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng. Hay nói cách khác, sự có mặt của luật sư sẽ đương nhiên giúp cho hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của pháp luật hơn, quyền con người theo quy định sẽ được bảo đảm. Lúc đó vai trò của luật sư thực sự là người cùng cơ quan tiến hành tố tụng góp phần bảo vệ công lý và bảo vệ pháp chế XHCN.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án từ giai đoạn điều tra. Ảnh minh họa: HTD

Được tiếp xúc riêng bị can, bị cáo

. Những quy định liên quan trong dự thảo BLTTHS có tạo điều kiện tốt nhất để luật sư thực hiện quyền bào chữa đã được hiến định?

+ Thực trạng thi hành BLTTHS những năm qua cho thấy thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa là rào cản lớn nhất, hạn chế sự tham gia của người bào chữa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đặt trong vòng tố tụng. LĐLSVN luôn kiên trì quan điểm đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư. Riêng đối với những người bào chữa khác thì các cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy đăng ký người bào chữa.

Nếu tháo gỡ được vấn đề này, dự thảo BLTTHS không chỉ khẳng định quyền hiến định của các chủ thể được hưởng quyền bào chữa, đề cao địa vị pháp lý của người bào chữa, mà còn mở ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong cách thức yêu cầu và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa.

LĐLSVN cũng từng đề cập đến quyền tiếp xúc riêng tư giữa luật sư và bị can, bị cáo?

+ Quyền gặp mặt của người bào chữa là cơ sở triển khai hoạt động bào chữa của luật sư trong TTHS. Đây cũng là quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng và của người bào chữa nhưng trong thực tế đây là quyền lợi bị xâm hại nghiêm trọng nhất, đặc biệt trong giai đoạn điều tra.

Một trong những vấn đề mấu chốt mà LĐLSVN kiến nghị chính là việc bảo đảm quyền gặp mặt riêng tư giữa người bào chữa với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Đảng đoàn LĐLSVN đề nghị cơ chế giám sát gián tiếp thông qua hệ thống màn hình camera nhưng không đặt chế độ ghi âm hoặc truyền âm... Và đương nhiên lúc này không thể có sự giám sát của điều tra viên.

Luật sư phải được bình đẳng

. Theo tôi được biết, không chỉ về quyền gặp mặt riêng tư, LĐLSVN cũng từng kiến nghị nhiều lần về chỗ ngồi của luật sư trong phiên tòa?

+ Dự thảo BLTTHS vẫn duy trì tư duy “tầng trên, tầng dưới”, thể hiện qua Điều 252. HĐXX ngồi chính giữa, kiểm sát viên ngồi bên phải, thư ký ngồi bên trái. Phía dưới của phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa, trong đó người bào chữa ngồi bên trái, người giám định và người phiên dịch ngồi bên phải HĐXX.

Đây là quy định mới của dự thảo luật nhưng nội dung chỉ là hợp thức chỗ ngồi theo vị trí chỗ ngồi của phòng xử án hiện tại. Thực tế vị trí ngồi của đại diện VKS hiện nay bên cạnh phía tay phải sát HĐXX cho thấy không bảo đảm tính khách quan và sự độc lập của HĐXX. Nên sắp xếp phía trên chính giữa chỉ có HĐXX ngồi độc lập vì HĐXX thay mặt tòa án, nhân danh nhà nước, phải độc lập theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định.

Thời gian qua, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, một số tòa án đã bố trí phòng xử án chỗ ngồi của HĐXX phải độc lập và ở vị trí cao nhất dưới quốc huy. Vị trí ngồi của đại diện VKS đối diện với vị trí ngồi tranh tụng với luật sư. Thư ký tòa án ngồi dưới phía trước HĐXX ở vị trí trung tâm, gần hơn với người tham gia tố tụng tạo điều kiện nghe rõ hơn và thể hiện sự giúp việc cho HĐXX chứ không như ở vị trí cùng HĐXX như hiện nay. Đó là những tiến bộ cần được ghi nhận và nhân rộng.

. Xin cám ơn ông.

Tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án nhiều hơn

Về nguyên tắc, khi luật sư tham gia tố tụng, có văn bản gửi đến cơ quan điều tra đề nghị quyền được tham gia các hoạt động điều tra thì các bản cung phải có chữ ký của luật sư mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, do quy định hiện hành chưa rõ ràng về điều này nên số lần luật sư tham gia hỏi cung là rất ít. Đa số bản cung quan trọng khác đều không có mặt luật sư nhưng vẫn được VKS và HĐXX cho là không vi phạm và sử dụng làm chứng cứ buộc tội. Điều này thể hiện rõ trong vụ án năm công dân ở Tuyên Quang bị kết tội giết người và cố ý gây thương tích mà không có cơ sở. Trong vụ án này đã có tới 54 bản cung trong hồ sơ vụ án giết người không có sự tham gia của luật sư.

Để đội ngũ luật sư thực sự góp phần bảo vệ công lý, LĐLSVN đã từng đề nghị trong dự thảo BLTTHS cần quy định trường hợp chỉ định người bào chữa bắt buộc đối với các tội danh có mức án từ 15 năm tù (tội phạm rất nghiêm trọng), thay vì chỉ từ mức chung thân, tử hình như dự thảo.

Nhưng để tránh những hiểu lầm có thể xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật, tôi nghĩ rằng nên quy định khi khởi tố, bắt tạm giam bị can thời hạn bốn tháng (đối với tội phạm rất nghiêm trọng) là phải chỉ định luật sư. Điều này tránh tình trạng khi khởi tố bị can để điều tra, cơ quan điều tra chưa định khung hình phạt nên không chỉ định luật sư. Có những quy định tường minh và được thực sự áp dụng, tôn trọng như trên thì số lượng án oan chắc chắn sẽ giảm.

Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều