Luật sư vòi vĩnh thân chủ sẽ bị phạt

Một trong những lĩnh vực được Nghị định 60 về phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp vừa được Chính phủ ban hành là siết lại một số kẽ hở liên quan hoạt động của luật sư. Nhiều hành vi như tự ý tiết lộ thông tin của khách hàng, vòi vĩnh thêm tiền, vật chất ngoài thù lao và chi phí ghi trong hợp đồng... sẽ bị phạt khá nặng. Nghị định 60 có hiệu lực từ ngày 18-9-2009, thay thế Nghị định 76 năm 2006.

Khách hàng là thượng đế

“Với Nghị định 60, các luật sư thường hoạt động ở ngoại tỉnh sẽ gặp khó khăn” - luật sư Đào Xuân Thành (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) dự đoán. Hiện nay, nhiều luật sư có văn phòng ở tỉnh này nhưng mở chi nhánh và thường xuyên hoạt động ở tỉnh, thành khác. Khi được đoàn luật sư tỉnh mình phân công trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ án thì luật sư đó có thể không theo nổi và từ chối. Nếu làm vậy, sắp tới họ sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) quan tâm đến khoản 2 Điều 24 Nghị định 60 quy định: Luật sư không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình khi thực hiện dịch vụ pháp lý thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến một triệu đồng. “Vậy nếu trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ghi rõ quyền, trách nhiệm của hai bên nhưng đương sự “tố” luật sư không thông báo, thông báo không đầy đủ... thì luật sư có thể bị phạt hay không?” - ông Bình thắc mắc.

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong, ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nghị định 60 quy định những hành vi bị xử phạt trong hành nghề luật sư là cần thiết. Qua đó bảo đảm quyền lợi cho khách hàng (những người kém am hiểu pháp luật), giúp họ tránh bị luật sư (những người am hiểu pháp luật) chèn ép. “Tuy nhiên, một số quy định tôi cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn như việc không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ được hiểu như thế nào? Thông báo bằng hình thức nào, thời gian nào? Hay như việc từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý phải quy định cụ thể từ chối trong trường hợp nào vì hiện những quy định này còn rải rác, luật sư khó lường hết được” - luật sư Phong phân tích.

Sống để dạ, chết mang theo?

Cạnh đó, Nghị định 60 bổ sung một hành vi vi phạm về bí mật thông tin của khách hàng. Nếu luật sư tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề mà không có văn bản đồng ý của khách hàng sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. “Với quy định này, luật sư dễ dàng bị phạt như... cơm bữa. Bởi vì trong quá trình hành nghề, thấy vụ án có nội dung, yếu tố pháp lý hay, các luật sư vẫn thường cung cấp cho báo chí mà không yêu cầu khách hàng viết văn bản cho phép” - luật sư Trương Thị Xem, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre, nhận định.

Tuy nhiên, bà Xem đề nghị cần hướng dẫn rõ việc cấm luật sư cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng là không cung cấp cho ai, thời hạn tối đa hay tối thiểu để được cung cấp, cung cấp mà không ảnh hưởng quyền lợi khách hàng thì sao. “Chứ không lẽ quy định luật sư nhận việc của khách hàng làm xong thì phải câm nín, chừng nào chết thì thôi sao? Tôi thấy chưa hợp lý” - bà Xem nói.

Thu tiền thù lao phát sinh: Có phạm luật?

Nghị định 60 cũng quy định luật sư sách nhiễu, lừa dối, ép buộc khách hàng đưa thêm tiền hoặc lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý bị phạt 3-5 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề 6-12 tháng. Theo luật sư Bình, nếu hiểu không khéo điểm này thì luật sư dễ “vừa mất tiền vừa mất nghề”. Trong thực tế, có những luật sư nhận việc xong, thấy phát sinh thêm việc nên yêu cầu thân chủ trả thêm chi phí, thù lao. Sắp tới, nếu hai bên vui vẻ thì không sao, ngược lại thân chủ mà “tố” thì luật sư có thể bị phạt.

Bà Xem còn chỉ ra hành vi vi phạm mà giới luật sư còn chưa rõ là móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định pháp luật là như thế nào (hành vi này sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng).

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm