Ngày 5-5, bác sĩ Trịnh Quang Anh (Calvin Q Trịnh), Trưởng đơn vị hiệu chỉnh cơ xương khớp (BV 1A), cho biết BV vừa điều trị cho bệnh nhân NTKP (67 tuổi, ngụ TP.HCM) bị thoái hóa đa khớp, lệch vẹo cơ thể, lệch vẹo khung xương nghiêm trọng gây hội chứng “chân ngắn chân dài”, đi lại khó khăn.
Trước đó, bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau chân, đi lại khó khăn, được chẩn đoán thoái hóa đa khớp, lệch vẹo cơ thể và lệch vẹo khung xương nghiêm trọng.
50 năm về trước bệnh nhân thường xuyên bế em bên hông, chìa hông ra để làm bệ đỡ gây lệch vẹo khung chậu, lệch vẹo cột sống. Theo BS Anh, tư thế này kéo dài dẫn đến các chi trong cơ thể tự điều chỉnh, lâu dần khiến vẹo cột sống, lệch khung chậu, các chi dài ngắn bất thường.
Kỹ thuật viên hiệu chỉnh cơ xương khớp cho bà P. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Bệnh nhân không bị dị tật chân ngắn chân dài bẩm sinh. Thời điểm bế em, bệnh nhân còn trẻ, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên các chi tự điều chỉnh gây lệch vẹo. Nếu người trên 25 tuổi bế trẻ em thường xuyên sẽ không gây biến dạng về xương hay chân ngắn chân dài thực thể.
Tuy nhiên, lệch vẹo hay mất cân bằng cơ vẫn xảy ra, gây chân ngắn chân dài cơ học. Nếu được hiệu chỉnh cơ xương khớp kịp thời sẽ trở lại bình thường” - BS chia sẻ.
BS cho biết thêm, với hội chứng chân ngắn chân dài cơ học do lệch vẹo khung chậu, nếu tự ý mang giày đế thấp đế cao là tự tạo tật nguyền cho mình. Trường hợp mắc chân ngắn chân dài bẩm sinh từ đo xương mới có thể mang giày đế thấp đế cao để cân bằng.
Trước đây BV từng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc hội chứng “chân ngắn chân dài” do lệch vẹo khung chậu cơ học. Tuy nhiên đây là trường hợp đầu tiên mắc “chân ngắn chân dài” nghiêm trọng do bế em.
Bác sĩ Trịnh Quang Anh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Trường hợp này mắc bệnh quá lâu nên không thể hiệu chỉnh để trở lại bình thường. Hướng điều trị là hiệu chỉnh cơ xương khớp để bệnh nhân đi lại thoải mái, dễ chịu hơn. Ở bệnh nhân này, đa số khớp đều thoái hóa, nếu phẫu thuật sẽ không khả thi.
“Với trường hợp khớp biến dạng, chỉ hy vọng hiệu chỉnh được từ 10-30% giúp bệnh nhân giãn cơ và giảm sự lệch vẹo của trọng tâm khớp, khi vận động sẽ bớt đau hơn” - BS chia sẻ.
Để tránh tình trạng lệch vẹo khung chậu khi bế trẻ em, BS lưu ý không nên bế trẻ quá lâu sẽ gây nguy hiểm cho cả người bế và người được bế. Nếu bé trai được bế quá lâu, sốc lên xuống sẽ có nguy cơ bị tổn thương tinh hoàn, sau này dễ có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Nên bế trẻ theo tư thế đứng, mặt hướng về trước hoặc sau, không nên bế bên hông.
Bà P đã tập hiệu chỉnh cơ xương khớp khoảng 30 buổi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Bệnh nhân NTKP cho biết nhà có 12 anh chị em, bà là thứ 3, lúc nhỏ thường ế các em một bên hông. Năm 15 tuổi, bệnh nhân có biểu hiện đi khập khiễng nhưng không đi khám vì nghĩ bình thường. Sau này bị lệch một bên vai rõ rệt, nhưng vì nghĩ mình bị chân cao chân thấp bẩm sinh nên bà không đi khám, tự khắc phục bằng cách đóng đế dép chiếc cao chiếc thấp giúp cân bằng khi đi.
Cách đây 27 năm, vì đi lại khó khăn nên bà đi khám và được BS chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối. Có nơi khuyên bà nên thay khớp gối nhưng vì sợ phẫu thuật, 10 năm lại phẫu thuật thay lại khớp gối nên bà từ chối.
“Gần đây tôi thấy chân ngày càng cong, một chân lớn một chân nhỏ. Đặc biệt khi đi có biểu hiện đau, đi đứng chậm chạp hơn, tôi không dám đi nhiều. Thậm chí tôi phải mang ghế vào nhà vệ sinh để ngồi đánh răng vì đứng lâu sẽ đau. Một hôm sáng ngủ dậy tôi không đi được nên đi khám và tập vật lý trị liệu, sau này mới đi hiệu chỉnh cơ xương khớp. Tôi đã sống chung với bệnh 60 năm nay rồi, hy vọng sau khi kết thúc liệu trình, tôi sẽ đi đứng đỡ đau hơn” - bà P chia sẻ.
Bà P đã tập hiệu chỉnh cơ xương khớp khoảng 30 buổi, mỗi buổi 1 tiếng. Trước đây khi đi bà phải mang gậy, chân co lên sẽ đau. Hiện tại bà đã tự đi được, tuy nhiên đi lại nhiều vẫn còn đau nên bà phải hiệu chỉnh thường xuyên.