Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vừa công bố nghị quyết cải cách tiền lương đối với phi công.
Cụ thể lộ trình đến ngày 1-6-2020, VNA sẽ tiếp tục thực hiện tăng tiền lương đối với người lái máy bay. Tuy nhiên, từ việc năng suất lao động tăng do điều chỉnh cơ cấu, hành trình, chặng bay của đội bay thân lớn B787/A350, tuy nhiên hội đồng quản trị đã quyết định thực hiện sớm lộ trình tăng lương đối với người lái máy bay đội bay B787/A350 từ ngày 1-9-2019.
Theo đó, lần cải cách tiền lương này, mức khoán tiền lương chuyến bay của đội bay B787/A350 tăng 22% so với thời điểm 1-6-2019, cụ thể:
VNA đánh giá việc tăng lương trước lộ trình dành cho đội bay B787/A350 là nỗ lực rất lớn của tổng công ty nhằm đảm bảo mức thu nhập cho đội ngũ người lái máy bay trong bối cảnh có nhiều ràng buộc từ cơ chế quản lý, đặc biệt là các quy định chặt chẽ về mức lương, thưởng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trong phạm vi cho phép, Ban lãnh đạo VNA vẫn đang tiếp tục nỗ lực cải thiện chế độ tiền lương, thưởng và các chính sách đãi ngộ đặc biệt áp dụng cho đội ngũ người lái máy bay và việc tăng lương trước lộ trình đối với đội bay B787 và A350 thể hiện rõ cam kết của lãnh đạo tổng công ty.
Trước đó, ngày 1-6-2019, VNA cũng đã cải cách tiền lương đối với người lái máy bay Việt Nam. Trong lần cải cách này, mức thu nhập net (không tính thuế thu nhập cá nhân) của người lái máy bay Việt Nam khi bay đạt giờ bay mức bằng 75% của người lái máy bay nước ngoài đối với giáo viên, lái chính và bằng 65% người lái máy bay nước ngoài đối với lái phụ.
VNA dự kiến sẽ tiếp tục triển khai việc cải cách tiền lương cho đến năm 2025.
Theo VNA, từ năm 2008 nơi này đã đưa ra cam kết về cải cách tiền lương cho các đối tượng lao động, đặc biệt là lao động đặc thù, yêu cầu tay nghề cao gắn với trách nhiệm lớn như người lái máy bay. Và thực tế các cam kết này đã được VNA đảm bảo thực hiện, thậm chí vượt hơn cả cam kết.
Chế độ đãi ngộ đặc biệt này dành cho người lái máy bay xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp, đòi hỏi tay nghề và yêu cầu kỹ thuật cao, tính trách nhiệm gắn liền với sự đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến bay.
Trước đó, trao đổi với PLO, một phi công chính, giáo viên kỳ cựu của VNA, bật mí: Để trở thành phi công chính của B787 và A350 phải mất ít nhất 8-10 năm, còn lái phụ là 7-8 năm. Nguồn để đào tạo là từ phi công dòng máy bay thân hẹp A321 chuyển loại. Việc đào tạo phi công không phải mất ngày một ngày hai mà hàng năm trời, cụ thể phi công A321 lên lái chính A350 hoặc B787 phải tích lũy 3.000-5.000 giờ bay.
Theo tiêu chuẩn, mỗi năm phi công bay 900 giờ, mỗi tháng 70-90 giờ nên ngoài kinh nghiệm đòi hỏi phi công phải có sức khỏe mới đáp ứng tiêu chuẩn để chuyển loại lên máy bay thân rộng.
Vị phi công này lưu ý hiện nguồn tuyển mới phi công cũng rất hạn chế do chi phí bỏ ra rất lớn, khoảng 2,5 tỉ đồng nên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con theo nghề lái. Chưa kể quá trình học tỉ lệ đào thải rất cao nên đăng ký học là một chuyện, ra trường là chuyện khác.