Theo bác sĩ V, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy một bệnh viện hạng đặc biệt ở Hà Nội, hơn 10 năm kể từ khi anh bắt đầu làm nghề, phụ cấp mổ, tiền trực đến nay vẫn chỉ áp dụng một mức.
Phụ cấp mổ: 10 năm chỉ 1 mức
Mỗi tháng, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy có 4-5 ngày trực 24/24, phụ cấp hơn 100.000 đồng/ngày. Công việc ban đêm thường nhiều và áp lực hơn do lúc này có ít nhân viên y tế, trong khi rất nhiều bệnh nhân nặng tuyến dưới hay chuyển lên vào ban đêm.
“Những ngày trực, chúng tôi thường không được ngủ, mấy anh chị em chỉ có thể tranh thủ, thay phiên ngả lưng một chút cho đỡ mệt. Có những buổi trực phải mổ cấp cứu thâu đêm” - bác sĩ V tâm sự.
Đối với một ca phẫu thuật như mổ dạ dày nội soi trung bình kéo dài hơn 3 giờ, chưa kể trách nhiệm và chăm sóc bệnh nhân sau mổ, theo bác sĩ V, mức hỗ trợ hiện nay là quá thấp.
“Nếu sau mổ, bệnh nhân không có vấn đề gì thì rất tốt, nhưng nhiều trường hợp sau mổ chưa ổn định ngay, chúng tôi cũng mệt mỏi, lo lắng" - bác sĩ V chia sẻ.
Bệnh viện nơi bác sĩ V làm việc tiếp nhận số lượng bệnh nhân đến điều trị mỗi ngày rất lớn. Thông thường, những ngày không trực cũng phải đến 7-8 giờ tối các bác sĩ phẫu thuật như bác sĩ V mới ra khỏi phòng mổ.
Theo bác sĩ V, nếu đề xuất tăng mức phụ cấp mổ, tiền trực được thông qua sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn đối với nhân viên y tế, san sẻ phần nào gánh nặng y tế đối với các y bác sĩ làm việc tại các bệnh viện công.
Tôi rất mừng khi hay thông tin Bộ Y tế vừa đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp mổ cho nhân viên y tế. Lâu nay, các nhân viên y tế công vốn đã rất vất vả, thiệt thòi.
Chẳng hạn, một ca mổ cắt ruột thừa nội soi ở bệnh viện tư, bác sĩ được trả công từ 2 đến 3 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Còn tại bệnh viện công, theo quy định khoản này chỉ vài trăm ngàn đồng. Một phần vì điều này nên bệnh viện công khó thu hút, khó giữ người tài.
Đại tá, BS CKII NGUYỄN ĐÌNH LÂM - Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Có hơn 10 năm gắn bó với nghề, một bác sĩ công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương rất vui khi nghe thông tin Bộ Y tế vừa có đề xuất tăng phụ cấp mổ.
Theo bác sĩ này, trung bình mỗi ngày phải mổ 3-4 ca, phụ cấp không đáng bao nhiêu so với công sức êkip bỏ ra. “Theo đề xuất thì mức tăng đã cao hơn so với hiện tại, dù ít dù nhiều nhưng tăng là tốt rồi” - bác sĩ này nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Sản - Phụ khoa của Bệnh viện Quân y 4 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không giấu nổi vui mừng khi nghe tin có thể sắp tới nhân viên y tế sẽ được tăng phụ cấp.
“Hiện mức phụ cấp mổ tính theo loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III. Loại I phụ cấp 1 ca 125.000 đồng, tuy vậy không ít ca chẩn đoán là loại I nhưng thực tế lại rơi vào ca khó, phải làm đến mấy tiếng với chuyên môn cao.
Tới đây, nếu tăng phụ cấp sẽ phần nào giúp cải thiện đời sống nhân viên y tế. Đặc biệt, về mặt tinh thần chúng tôi thấy được động viên nhiều” - bác sĩ Thảo chia sẻ.
Rất lâu rồi tiền trực không tăng!
Chị Nguyễn Thị Vân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Trãi (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), cho biết hiện trạm có tổng cộng 6 nhân viên cơ hữu, hưởng mức phụ cấp trực 18.750 đồng/đêm, ca trực bắt đầu từ 6 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau.
Nếu trực cuối tuần, mức này là 45.500 đồng/ngày, còn ngày nghỉ, ngày lễ là 60.000 đồng. Trung bình tổng thu nhập tính cả lương, thưởng (nếu có) và phụ cấp của nhân viên tại trạm là gần 6 triệu đồng/tháng.
Theo chị Vân, hơn chục năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh 8 lần, nhưng chế độ phụ cấp trực, tiền ăn trong ca trực vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.
“Chúng tôi là y tế tuyến cơ sở, đơn vị đầu tiên tiếp xúc với người bệnh. Người đến khám chủ yếu là người trung niên, lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và tự chăm sóc bản thân chưa cao. Do vậy, chúng tôi cũng vất vả hơn trong việc tư vấn, giải thích cho họ hiểu về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Đôi khi không phân biệt ngày nghỉ, chúng tôi phải đến tận nhà để tư vấn thêm vì người bệnh gặp khó khăn trong đi lại” - chị Vân chia sẻ.
Cũng theo chị Vân, đề xuất tăng phụ cấp trực cho nhân viên y tế thực sự rất cần thiết. Nếu được thông qua, khoản tăng này sẽ góp phần cải thiện cuộc sống, tiếp thêm động lực cho nhân viên y tế, đồng thời thể hiện rằng các cơ quan quản lý luôn thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến nhân viên y tế cơ sở vốn đã nhiều thiếu thốn.
Bác sĩ Đỗ Minh Nguyệt, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết khi nghe thông tin tăng tiền phụ cấp trực, chị và các nhân viên y tế ở trạm đều rất vui mừng.
“Từ rất lâu rồi tiền trực không tăng, so với tình hình trượt giá hàng năm thì số tiền phụ cấp trực hiện tại rất thấp. Nếu được tăng dù ít cũng là tín hiệu đáng mừng vì chúng tôi thấy mình được quan tâm” - chị Nguyệt chia sẻ.
Theo chị Nguyệt, 1 tháng chị trực khoảng 10 ngày, tuy bệnh nhân đến khám không đông, trực không căng thẳng như bệnh viện tuyến trên nhưng thời gian dành cho gia đình cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Mức phụ cấp hiện nay không còn phù hợp
Đề xuất tăng phụ cấp mổ, phụ mổ, phụ cấp trực đối với nhân viên y tế là cần thiết bởi mức hiện nay không còn phù hợp, không tương xứng với đặc thù công việc và quá trình đào tạo, cũng quá thấp so với thực tế đời sống.
Một ca trực, ca mổ của nhân viên y tế tại bệnh viện hạng I như Bệnh viện Thanh Nhàn là rất vất vả, nhiều áp lực, cường độ công việc cao. Việc tăng mức phụ cấp phần nào có thể động viên các y bác sĩ, tiếp động lực để họ gắn bó với nghề.
Nếu đề xuất được phê duyệt, nguồn chi trả sẽ là từ các bệnh viện. Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở y tế tự chủ, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tăng phụ cấp để góp phần cải thiện đời sống cho nhân viên y tế.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới như quận, huyện còn hạn chế về nguồn thu, để tăng phụ cấp theo đề xuất có thể họ sẽ gặp khó khăn.
Ông TRẦN THẾ QUANG - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)