Theo PGS Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính, thu nhập và lương của những người làm trong ngành dầu khí cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trong xã hội. Nhiều người ở ngành này có mức thu nhập hàng tháng cao chót vót, cao ngất ngưởng. Trong khi họ không phải là những người có trình độ cao, không trực tiếp ra giàn khoan ngoài biển. Lâu nay người ta vẫn đặt câu hỏi: “Những người này có xứng đáng được hưởng mức lương như vậy không?”
Ông Trường cho hay, thu từ khai thác dầu thô chiếm một phần lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm trên 13% trong năm 2013. So với lợi thế của ngành đầu khí, thì mức thuế đối với khai thác dầu khí như hiện nay là chưa phù hợp. Vì lợi nhuận trong ngành này hiện rất lớn. Nếu ngành này được quản lý chặt chẽ, thì lợi nhuận còn cao hơn. Ở ta, tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu của toàn dân, mọi người đều được hưởng.
“Đối với hoạt động khai thác dầu khí, cần tăng thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, sẽ tăng thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, thì thu nhập của những người làm trong ngành này cũng phải giảm đi.” Ông Trường kiến nghị.
Nhìn nhận về việc thu thuế từ tài nguyên hiện nay, theo ông Trường, số thu từ thuế tài nguyên còn khiêm tốn. Điều này do thuế suất nhìn chung còn thấp. Cùng với đó là tình trạng khai thác tài nguyên lậu, trốn thuế ở một số địa phương.
“Khai thác tài nguyên là lĩnh vực có mức độ thất thoát ngân sách cao. Trong đó, các dòng tiền bất hợp pháp liên quan đến tham nhũng, khai thác trái phép, khai thác nhưng không báo cáo đầy đủ và trốn thuế.” Bà Trần Thanh Thủy – Trung tâm Con người và thiên nhiên nói.
Ông Trường cho rằng, nếu để thất thu thuế nhiều, nợ đọng thuế lớn, thì người đứng đầu cơ quan thuế ở địa phương đó phải bị cách chức, để người khác có năng lực lên thay. Còn nếu vẫn để họ được ngồi yên ở cái ghế đó, thì chả ai sợ gì.