Sau khi ghi bàn thắng thứ 2 tại Euro 2024, Merih Demiral đã thực kiểu chào được cho là mang tính “dân tộc cực đoan”. Ban tổ chức hiện đang điều tra cầu thủ này vì “hành vi không phù hợp” trong trận đấu loại trực tiếp diễn ra trên sân Leipzig (Đức).
Được biết, hành động mà cầu thủ ghi bàn nhanh thứ hai Euro (mở tỉ số giây thứ 57 trong trận gặp Áo) Demiral thực hiện trước khán giả, liên quan đến nhóm cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ “Grey Wolves”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser cũng lên án hành động ăn mừng bàn thắng của cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Faeser phát biểu trên X: “Biểu tượng của những kẻ cực đoan cánh hữu Thổ Nhĩ Kỳ không có chỗ trong SVĐ của chúng tôi. Việc sử dụng giải vô địch bóng đá châu Âu làm diễn đàn cho nạn phân biệt chủng tộc là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Phát biểu sau trận đấu tại Leipzig, cầu thủ ghi bàn nhanh thứ hai Euro Demiral giãi bày, cách ăn mừng của mình không “ẩn chứa thông điệp” nào. “Cách tôi ăn mừng là bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ của tôi. Chúng tôi đều là người Thổ Nhĩ Kỳ, tôi rất tự hào là người Thổ Nhĩ Kỳ và đó chính là ý nghĩa của cử chỉ này”, cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu Demiral khẳng định.
Trung vệ Demiral nói, anh thấy CĐV Thổ Nhĩ Kỳ trên khán đài cũng thực hiện hành động này. “Tôi chỉ muốn thể hiện rằng tôi quá đỗi hạnh phúc và tự hào”, Demiral nói và nhấn mạnh, hy vọng “sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để thể hiện cử chỉ này”.
Một trong những chính trị gia Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng, kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Đức, ông Cem Ozdemir khẳng định trên X: “Không có gì bí mật với kiểu chào sói này. Biểu tượng này tượng trưng cho chủ nghĩa khủng bố (và) phát xít”.
Sau trận đấu vòng 16 đội, các tổ chức nhân quyền của Đức đã kêu gọi UEFA nghiêm cấm việc sử dụng kiểu chào sói.
Tiền đạo người Áo, Michael Gregoritsch (ghi bàn gỡ 1-2) cũng kêu gọi CĐV nên tránh xa “chủ nghĩa tư tưởng cánh hữu”.
Trong trận đấu kể trên, CĐV Áo cũng bị phát hiện đã hát lời bài hát phân biệt chủng tộc theo giai điệu của ca khúc nhạc dance nổi tiếng “L’Amour Toujours”, của DJ người Ý Gigi D’Agostino.
Bài hát có câu “người nước ngoài cút đi”, gần đây đã gây ra tranh cãi tại Đức, sau khi một đoạn clip ghi hình một nhóm thanh niên hát câu này được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.