Những ngày gần đây, cứ mưa lớn kết hợp với triều cường thì hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM lại bị ngập nước. Trong khi đó, dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng góp phần chống ngập cho TP vẫn đắp chiếu vì nhiều lý do.
“Các vấn đề của dự án vẫn đang được TP xử lý và hiện chúng tôi chưa có thông tin gì thêm” - đại diện truyền thông của Trungnam Group (chủ đầu tư dự án) trao đổi với PV.
Chính phủ yêu cầu, bảy tháng vẫn chưa giải quyết
Đầu tháng 7-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”. Một trong các dự án Thủ tướng yêu cầu làm việc dứt điểm là công trình ngăn triều 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM. Trước đó, vào tháng 4-2021, Chính phủ đã có nghị quyết về việc tiếp tục triển khai dự án này. Tại thời điểm đó, nghị quyết được xem là động thái quan trọng “cứu” dự án khi đang tạm ngừng thi công nhiều hạng mục. Tuy nhiên, đến nay hầu như mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Xe chết máy vì triều cường dâng ngày 22-10 khi qua đoạn đường
Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI
Tính đến nay, nhiều hạng mục của dự án đạt tiến độ khoảng 90% nhưng chưa thể về đích, khúc mắc lớn nhất hiện nay là phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành dự án (hết hạn từ ngày 26-6-2020) chưa được ký kết. Khi phụ lục hợp đồng không được ký thì ngân hàng không thể giải ngân số tiền 1.800 tỉ đồng còn lại, dẫn đến dự án bị đình trệ.
Theo chủ đầu tư, khối lượng cụ thể tại sáu cống kiểm soát triều gồm cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đạt 92%, cống Tân Thuận (quận 7) đạt 93%, cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 95%, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đạt 90%, cống kiểm soát triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) đạt 90% và cống Phú Định (quận 8) đạt 92%.
Tại sáu cống kiểm soát triều nói trên đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van, hệ thống xylanh thủy lực, âu thuyền, buồng bơm. Hạng mục kè mang cống, thảm đá lòng sông và khu nhà quản lý đang tạm dừng thi công.
Dân khổ sở lội nước
Khi dự án chống ngập lớn nhất TP.HCM vẫn đắp chiếu, không thể về đích thì người lãnh hậu quả đầu tiên chính là người dân TP, nhất là những người sống gần khu vực dự án và người dân nằm trong vùng dự án có tác động.
Vừa mở lại quán ăn tại đường Trần Xuân Soạn (quận 7, khu vực gần cống ngăn triều Tân Thuận), chị Kiều cho biết: “Trước khi thuê mặt bằng mở quán tôi đã tìm mặt bằng có nền cao để tránh ngập. Tuy nhiên, mỗi lần mưa và thêm mấy hôm triều cường cao thì nước vẫn mấp mé tràn vào nhà, gây khó khăn cho việc kinh doanh. Nhất là cuối tuần vừa qua, khi mưa lớn thì ngập sâu, rất mệt mỏi”.
Chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Thu Cúc, ở đường Mễ Cốc (quận 8, khu vực cống Phú Định), cho biết mỗi lần nước dâng lên là không thể phân biệt đâu là đường, đâu là kênh. Nước ngập khiến nhiều xe cộ đi qua bị chết máy, có khi còn té xe. Theo bà Cúc, những ngày này các hộ kinh doanh, buôn bán như nhà bà là chịu thua… bởi ngập như vậy không ai dám dừng lại để mua hàng.
Không chỉ riêng đường này, cuối năm ngoái, việc không thể vận hành máy bơm của khu vực cống Phú Định trên đường An Tài, phường 7, quận 8 cũng khiến nhiều nhà dân chìm trong nước khi triều cường lên. Khi đó, đại diện đơn vị thi công dự án cống Phú Định cho biết do UBND TP.HCM chưa cấp vốn cho chủ đầu tư để tiếp tục thi công nên chủ đầu tư không đủ kinh phí cấp cho đơn vị thi công để duy trì bơm nước chống ngập cho nhà dân.
Theo GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, “bài ca” ngập thì nhiều năm nay TP.HCM có rồi. Vấn đề này nằm ở trách nhiệm quản lý, trách nhiệm quy hoạch và trách nhiệm điều hành. Nhất là trách nhiệm của việc để một dự án lớn như dự án 10.000 tỉ đồng chậm trễ.
“Ngoài ra, có thể thấy công tác đắp đê ngăn triều của TP.HCM cũng làm không tốt khiến triều dâng xâm nhập nội thành rất nhiều. Phải đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập hơn nữa, tôi thấy hội thảo, hội nghị về chống ngập nhiều năm nay diễn ra rất nhiều nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Hồ điều tiết chống ngập lấy ý kiến bao năm cũng không thấy triển khai” - GS Bá thẳng thắn.•
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao), khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Dự kiến tiến độ trước đây, dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2021, tuy nhiên với nhiều khúc mắc như hiện nay, dự án chưa xác định ngày về đích. Đã có cơ sở để giải ngân khoản vay cho dự án Liên quan đến dự án này, ngày 26-10, UBND TP đã có văn bản cho biết Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị được UBND TP giao trách nhiệm chủ trì phối hợp với chủ đầu tư dự án và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức, triển khai thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao. “Hiện đã hoàn thành thực hiện đúng quy trình xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành của dự án làm cơ sở để giải ngân khoản vay cho dự án. Hiện nay, UBND TP giao Sở KH&ĐT TP chủ trì thực hiện theo trình duyệt báo cáo giám sát đánh giá đầu tư và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án” - UBND TP cho biết. |