Giá cà phê trong nước có những biến động tăng, giảm liên tục ở mức cao, 123.000-130.000 đồng/kg trong những ngày đầu tháng cuối năm 2024 khi Việt Nam (VN) vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về cà phê, cho biết sự biến động bất thường của giá cà phê trên các sàn giao dịch cà phê kỳ hạn quốc tế do quỹ đầu cơ đẩy giá, không phản ánh đúng thị trường cà phê. Trong khi giá cà phê VN lại lầm tưởng cuốn theo giá trên các sàn kỳ hạn này.
Thị trường không dám mua, không dám bán
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự biến động của giá cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế cũng như tại thị trường nội địa thời gian qua?
+ Ông Nguyễn Quang Bình: Sự biến động giá tăng trong thời gian qua trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế không dính dáng gì đến cung cầu thực tế của thị trường cà phê. Giá trên sàn là giá mà các quỹ đầu cơ cà phê “hàng giấy” tạo ra, tạo sóng, hút nhà đầu tư, thu lợi. Các quỹ đầu cơ “bắt tay” với các chủ sàn cùng làm giá, bất chấp cung cầu thị trường thực tế có ra sao.
Ví dụ khi giá cà phê xuống thấp, các sàn này sẽ tìm cách đẩy giá lên trở lại, đến lúc giá trên các sàn kỳ hạn tăng lên, thu hút các nhà đầu tư cà phê “hàng giấy” tham gia. Lúc đầu, những người đầu cơ cà phê sẽ cẩn trọng mua và bán với số lượng ít (vẫn chủ yếu là “hàng giấy” chứ không có hàng cà phê thật). Khi đó, các quỹ đầu cơ sẽ mua với giá tăng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ này. Sau đó giá cà phê trên sàn tiếp tục được đẩy lên, tăng mạnh, chiêu thức trên tiếp tục lặp lại đến khi nào giá tăng đến một ngưỡng mà các quỹ đầu cơ và chủ sàn tính toán “ăn đủ”, họ sẽ gom hàng, đẩy giá lên đỉnh lần cuối và bán “ăn tất”.
Những người đầu cơ tham lam sẽ đặt mua hết vì hy vọng giá cà phê sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, sau đó cái kết đắng sẽ dành cho những người đầu cơ hám tiền này khi đặt lệnh bán trên sàn nhưng không ai mua, giá bắt đầu rớt và họ thua lỗ.
Một điểm thứ hai khiến thị trường giá cà phê biến động là do thị trường hiện nay có nhiều yếu tố rủi ro nên các nhà xuất khẩu cà phê không bán trên sàn giao dịch hàng hóa nhiều. Với mức tăng giảm giá mua bán cà phê trên sàn kỳ hạn quá lớn 300 - 400 USD/tấn, không có doanh nghiệp (DN) nào dám giao dịch. Điều đó dẫn đến việc “khô” đơn hàng chào bán cà phê, nguồn cung cà phê thiếu hàng, thị trường hiểu lầm thiếu hàng, tạo cơ hội cho đầu cơ thao túng sàn, đẩy giá lên.
. Vậy theo ông, giá cà phê VN tại thị trường nội địa đang biến động cũng do tâm lý đầu cơ hay những yếu tố nào nữa? Dự báo giá cà phê nước ta ra sao sau thời điểm kết thúc vụ thu hoạch?
+ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu cà phê của VN tháng 11-2024 đạt 45.000 tấn, trị giá 262 triệu USD, giảm tới 62% về lượng và giảm hơn 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân ở đây là giá cà phê đang chịu nhiều rủi ro do thị trường có tâm lý không ai dám bán, cũng không ai dám mua. Người bán thì không dám bán vì lỡ bán mà giá cà phê còn tăng cao hơn nữa thì không biết lấy hàng đâu giao cho khách. Một là họ không đủ khả năng mua đủ hàng, hai là nếu giá mua cao hơn giá đã bán thì họ chỉ có lỗ nặng.
Người mua hàng cũng không dám mua, vì nếu mua nhưng lỡ giá tăng nữa, người bán họ “hủy kèo”, viện lý do để không giao hàng thì người mua cũng không có hàng “chết theo”. Nhà nhập khẩu thì không dám mua vì lo nếu mua với giá cao, lỡ biến động giá rớt thì họ lại thiệt hại.
Yếu tố tâm lý thị trường không dám mua, không dám bán càng khiến những thương nhân có nhu cầu thực sự rơi vào tình cảnh khó mua, khó bán. Giá cà phê đang ở mức cao, cộng thêm tâm lý lầm tưởng giá trên các sàn giao dịch cà phê kỳ hạn quốc tế phản ánh đúng cung cầu thị trường, dẫn đến tâm lý đầu cơ “găm hàng” kỳ vọng giá cà phê còn tăng cao hơn nữa của nông dân, đại lý khiến chuỗi cung ứng cà phê VN thêm khó khăn.
Ngày 9-12, giá cà phê trong nước giữ mức tăng cao khoảng 3.900 đồng/kg. Hiện giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 124.000 đồng/kg. Giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Đắk Lắk đều ở mức 124.000 đồng/kg.
Theo tôi, thời gian tới dự kiến giá cà phê sẽ có sự điều chỉnh lại, chững lại chứ không tăng nữa. Giá cà phê nội địa đến lúc sẽ không còn bị cuốn theo diễn biến giá trên các sàn kỳ hạn quốc tế nữa mà theo thị trường hàng hóa thực tế.
Minh chứng như giá cà phê nội địa của Brazil sau thời gian biến động tăng theo giá trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn của nước này thì đến nay đã ổn định trở lại. Nguyên nhân là do sự cố “xù hàng”, các nhà đầu cơ “hàng giấy” đẩy giá trên sàn này khiến nhà đầu tư, dân kinh doanh không còn quan tâm đến giá trên sàn mà theo cung cầu thực tế.
Nông dân cà phê cần “chuyền tay” rủi ro giá cho nhà kinh doanh
. Với thị trường hiện nay, ông có lời khuyên nào dành cho nông dân khi họ đang thu hoạch vụ mùa cà phê khi giá cao, lãi cao?
+ Nông dân nên giao rủi ro, “chuyền tay” rủi ro về giá đó cho các nhà kinh doanh cà phê. Ví dụ, giá cà phê có thể tăng lên 130.000-135.000 đồng/kg nhưng khi những người đầu cơ rút khỏi thị trường, giá cà phê có thể giảm xuống 80.000-90.000 đồng/kg.
Khi giao rủi ro đó cho nhà kinh doanh (đại lý, DN) thì nông dân cũng không nên đầu cơ làm gì. Nông dân thấy có lợi nhuận phù hợp, mức giá hợp lý thì nên bán. Nhà vườn tự tính toán như giá thành cà phê mình trồng, cộng các chi phí trồng, chăm sóc, công cán thu hoạch khoảng 50.000 đồng/kg, rồi bán với giá hơn 100.000 đồng/kg cho đại lý, DN, có lời 50.000 đồng/kg, thấy bán được thì họ bán thôi.
Giá cà phê hiện nay có thể nói là ở nấc cao, giá bán cao hơn giá thành rất nhiều, nông dân có lãi cao thì khi giá tốt, có người mua, thanh toán nhanh thì bán. Họ không nên giữ hàng nữa bởi nếu giá biến động rớt thì lại khóc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, giá cà phê tuy cao nhưng tìm người mua cũng rất khó.
. Còn với DN cà phê cần làm gì khi họ đang rơi vào cảnh khó mua, khó bán?
+ Phía DN sẽ có những tính toán, kế hoạch sản xuất, kinh doanh từ trước. Tuy nhiên, với bối cảnh giá cà phê tăng cao, nhiều rủi ro, DN cũng không thể mua để trữ hàng hay mua để bán. DN phải rất cẩn trọng, nếu có hàng thực thì mới mua. Nếu có sự tin cậy với nhau thì DN mới thực sự dám mua bán trong thời điểm này.
Thực tế hoạt động giao dịch mua bán cà phê vẫn đang diễn ra ở những DN tạo lập được chuỗi liên kết cung ứng chặt chẽ, dựa trên mối quan hệ làm ăn uy tín gầy dựng nhiều năm.
. Xin cảm ơn ông.
VICOFA khuyến cáo nông dân găm hàng đầu cơ
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN (VICOFA), bước vào niên vụ cà phê 2024-2025, đến nay VN đã thu hoạch được 30% nhưng giao dịch đưa ra thị trường làm nguyên liệu cho xuất khẩu chỉ ở mức 10%. Nguyên nhân là do những biến động giá cà phê ở thị trường thế giới khiến nông dân có tâm lý chờ đợi giá lên.
Theo ông Hải, hiện giá cà phê thu mua của bà con nông dân ở mức 123.000-128.000 đồng/kg, được xem là mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với rủi ro cho nông dân.
Do đó, theo ông Hải, trong giai đoạn hiện nay bà con nông dân phải cân nhắc, kể cả việc mở rộng phát triển diện tích và việc bán với giá thế nào, thời gian nào cho hiệu quả. Nông dân không nên có tâm lý đầu cơ găm hàng mà không bán, cứ chờ giá lên thì rủi ro cao nếu giá giảm.
“Việc nông dân chờ giá bán cao, chưa bán cũng đang gây thách thức cho xuất khẩu cà phê khi các DN gặp khó trong việc thu mua nguồn hàng để xuất khẩu trong niên vụ này” - ông Hải nói.