Trả lời phỏng vấn Hãng tin CBS (Mỹ), ông Chris Gaffney, Chủ tịch Tập đoàn tài chính EverBank (Mỹ) cho biết, động lực tăng trưởng chính của vàng trong thời gian tới nằm ở việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
"Lãi suất giảm kết hợp với yếu tố địa chính trị hiện nay có thể đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce, tương đương 93 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên trong năm nay, giá vàng sẽ không thể đạt mức này, mà phải vài năm tới" - ông Chris Gaffney nhận định.
Theo ông Patrick Yip, Giám đốc kinh doanh American Precious Metals Exchange, năm nay không có khả năng giá vàng sẽ chạm mức 3.000 USD.
Kể từ năm 2000, vàng đã có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,8%. Nếu điều này tiếp tục diễn ra, giá vàng sẽ vượt quá 3.000 USD vào năm 2027.
"Tuy nhiên mức 3.000 USD có thể đến trong năm 2025, nếu chúng ta thấy tình trạng bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra, cắt giảm lãi suất và sức mua của ngân hàng trung ương vẫn tăng mạnh” - ông Patrick Yip nói.
Các chuyên gia cho rằng, có hàng loạt các biến số có thể đẩy giá vàng tăng tốc. Nhưng dự báo chính xác luôn là công việc khó khăn.
Điều quan trọng, người mua vàng cần kiên nhẫn chờ đợi và nắm giữ dài hạn thì mới có lời. Nói cách khác, người mua vàng phải mất một thời gian dài, có thể lên đến hàng năm để chờ đợi giá vàng tăng.
Tiến sĩ Peter C. Earle, nhà kinh tế Viện Nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ, cho biết, căng thẳng địa chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện tại, cùng với những biến động khác, cũng có thể thúc đẩy giá vàng tăng cao.
Nhưng để biết chính xác giá vàng đi đến đâu là rất khó đoán. Người mua vàng chỉ nên giữ vàng với mục đích phòng ngừa rủi ro và chống lại các bất ổn khó đoán định.