Lý do ông Trump có thể quay lưng với ông Tập

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đến nay vẫn chưa đi tới một thỏa thuận dù thời hạn đình chiến thương mại đã qua hơn một tuần. Thời gian gần đây, phái đoàn thương mại hai bên rất tích cực tìm tiếng nói chung để có thể giải quyết cuộc chiến thương mại.

Chắc chắn lãnh đạo và chính phủ hai nước đều mong cuộc chiến mau kết thúc. Tuy nhiên, báo New York Times (Mỹ) dẫn ý kiến nhiều chuyên gia rằng so với Tổng thống Donald Trump và chính phủ Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc (TQ) là bên đang sốt ruột hơn với một thỏa thuận thương mại.

TQ giảm chỉ tiêu tăng trưởng 2019

Theo các chuyên gia, có thể thấy được sự sốt ruột của TQ qua các động thái hứa hẹn mua thêm hàng hóa Mỹ và mở cửa thị trường thêm với hàng hóa nước ngoài. Cũng nhằm làm yên lòng ông Trump, TQ đã hoãn lại chương trình “Made in China 2025” - tham vọng nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp TQ. Chương trình này đã không được Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường nhắc đến trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 13 của TQ đầu tuần này.

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ TQ sốt ruột chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ vì tình hình kinh tế nước này đang ngày càng yếu đi nghiêm trọng. Kênh tài chính CNBC (Mỹ) ngày 8-3 đưa số liệu thương mại của TQ trong tháng 2 thấp hơn nhiều so với dự đoán. Cụ thể, số lượng xuất khẩu giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất từ tháng 2-2016, không đạt dự báo của các nhà kinh tế chỉ giảm 4,8%. Số lượng nhập khẩu giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, không đạt dự báo của các nhà kinh tế chỉ giảm 1,4%.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường dự báo kinh tế TQ sẽ chậm lại trong năm nay. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức của TQ trong năm 2019 là 6%-6,5% (trong khi chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2018 là 6,6%), có thể coi đây là chỉ tiêu tăng trưởng thấp nhất TQ trong gần ba thập niên qua. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) khảo sát ý kiến nhiều nhà kinh tế nhận định tăng trưởng của TQ sẽ ở mức 6,2% trong năm nay và sẽ giảm nữa vào các năm 2020, 2021.

Nhận định về các yếu tố kềm giữ kinh tế TQ, tạp chí Fortune (Mỹ) cho rằng ngoài nợ nần (chiếm khoảng 300% GDP) còn có cuộc chiến thương mại với Mỹ. Không khó hiểu khi TQ rất mong giải quyết cuộc chiến này càng nhanh càng tốt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc tại Nhà Trắng tháng trước, khi ông Lưu dẫn phái đoàn TQ sang Mỹ đàm phán thương mại. Ảnh: POLITICO

Ông Tập mất ưu thế về tay ông Trump

Theo New York Times, trong khi Tổng thống Trump vẫn thường xuyên có các phát ngôn lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước thì nhiều quan chức TQ không chắc chắn về điều này.

Đến lúc này, cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 chưa được hai bên xác nhận. Ông Trump từng nói ông sẵn sàng gặp ông Tập tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở bang Florida (Mỹ).

TQ sẽ đối mặt với một môi trường kinh tế nguy hiểm và phức tạp hơn nhiều, cũng như các rủi ro, thách thức lớn cả về số lượng và kích cỡ. TQ phải chuẩn bị thật tốt cho cuộc chiến khó khăn này.

Thủ tướng TQ LÝ KHẮC CƯỜNG 

Theo nhà nghiên cứu James Green tại ĐH Georgetown (Mỹ), các quan chức TQ cảm thấy khó xử khi thuyết phục ông Tập bay một quãng đường dài đến Mỹ để gặp ông Trump khi hai bên chưa thống nhất các chi tiết cuối cùng.

Thừa nhận TQ biết rõ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập có thể là con đường duy nhất để có được thỏa thuận nhưng chuyên gia Bo Zhiyue tại ĐH Giao thông Tây An-Liverpool ở Tô Châu (TQ) cho rằng TQ đang trong thế khó khi không chắc được ông Trump sẽ quyết thế nào khi gặp ông Tập. Dựa vào đặc điểm hay thay đổi vào phút cuối của ông Trump, nhiều quan chức TQ chẳng những bi quan tương lai thỏa thuận còn xa mà còn lo ngại các điều khoản cuối cùng có thể sẽ không thực sự có lợi cho TQ.

Còn nhớ giữa năm 2017, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng đưa ra một dự thảo thỏa thuận nhưng nhanh chóng bị ông Trump bác. Năm ngoái, trong lúc TQ đinh ninh đã đạt được thống nhất với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thì ông Trump lại áp thuế quan lên TQ và cuộc chiến lại tiếp tục.

Kinh tế trì trệ sẽ là một áp lực với ông Tập và có thể ông Tập sẽ mất đi ưu thế trước đó đã giữ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong khi đó, về phía Mỹ, theo nhà báo phân tích kinh tế Jim Cramer viết cho kênh CNBC, với thực tế kinh tế TQ đang yếu đi, ông Trump đang có lợi thế hơn và có thể sẽ bước ra khỏi cuộc thương lượng tới đây với ông Tập. Theo TS Wu Junhua, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật, chắc chắn một điều hai ông Trump và Tập sẽ không gặp nhau trước khi kỳ họp Quốc hội TQ kết thúc.

Cản trở lớn nhất với Mỹ-Trung là gì?

New York Times dẫn hai nguồn tin biết về quá trình đàm phán cho biết hai bên có kế hoạch sẽ tiếp tục thương lượng tại Bắc Kinh sau khi TQ kết thúc kỳ họp Quốc hội vào ngày 15-3.

Cản trở lớn nhất với thỏa thuận hiện nay là thống nhất cách thực hiện các điều khoản, theo các nguồn tin. Nói trước Hạ viện tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thừa nhận TQ đã ký nhiều thỏa thuận nhưng cũng “rất ít trường hợp họ thật sự thực hiện các nghĩa vụ của mình”. Đến lúc này Mỹ khăng khăng phải giữ quyền tăng thuế nếu TQ vi phạm thỏa thuận nhưng TQ không được trả đũa. Tuy nhiên, nhiều quan chức TQ cho rằng điều này có thể có nguy cơ vi phạm quyền chủ quyền của TQ.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Erin Ennis, để cho cả hai thống nhất được một cơ chế thực hiện thỏa thuận là một thách thức lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm