Lý do Quốc hội không giám sát tối cao vấn đề môi trường

Sáng 10-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình giám sát tối cao của năm 2020. Theo đó trong năm tới Quốc hội chỉ thực hiện một chuyên đề giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em với 446/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (92%).

Kết quả biểu quyết sáng ngày 10-6 về chương trình giám sát tối cao năm 2020 của Quốc hội

Trước đó, Quốc hội đã đưa ra hai chuyên đề giám sát để lựa chọn 1 nội dung gồm vấn đề xâm hại trẻ em và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Lý do đề xuất chỉ thực hiện một chuyên đề giám sát vào năm 2020 là do năm sau là năm diễn ra đại hội đảng các cấp, là năm cuối của nhiệm kỳ của các cơ quan dân biểu vì vậy Quốc hội sẽ tập trung xem xét kết quả việc thực hiện các nghị quyết về giám sát, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tại phiên thảo luận hội trường về chương trình giám sát (ngày 3-6), nhiều ĐB đề nghị nên thực hiện hai chuyên đề giám sát, đồng thời các ĐB cũng đề nghị giám sát các vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, hoạt động báo chí, vấn đề quản lý công sản…

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Thời gian qua UB KHCN&MT đã thực hiện nhiều cuộc giám sát về lĩnh vực môi trường. Đồng thời, tại kỳ họp thứ 2 và thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT và đã ban hành nghị quyết, trong đó đề cập nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. "Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tổng thể các mặt việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường. Do đó, xin không tổ chức giám sát chuyên đề nêu trên”, ông nói.

Đối với các đề nghị thực hiện các nội dung giám sát khác, Tổng thư ký Quốc hội cho hay đây đều là những nội dung được quan tâm đã được tổng hợp trong số 183 đề xuất giám sát từ 77 cơ quan.

Đa số ĐBQH đã thống nhất chọn chuyên đề giám sát như trong tờ trình của UBTVQH. Các nội dung cần giám sát mà ĐBQH đề xuất sẽ được các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu tổ chức giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm