Gần đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến. Có những ngày hơn 400 ca, cao kỷ lục từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong số đó không ít người được chuyển tới trong tình trạng không cấp cứu.
Cứ chuyển viện là vô cấp cứu
Chị NTB (35 tuổi, ngụ Trà Vinh) đang chăm ba ruột điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ba chị B sinh năm 1965, được chuyển từ một bệnh viện ở miền Tây lên ngay trong đêm do đau do thoái hóa chỏm xương đùi để thay khớp háng.
“Lên đến đây đã thấy khoa Cấp cứu rất đông, ba tôi phải chờ lên khoa khác phẫu thuật. Bác sĩ nói thoái hóa chỏm xương đùi không cần chuyển vào đường cấp cứu mà có thể nhập khoa khác vào ban ngày để khám ở phòng khám chuyên khoa chỉnh hình, đến lúc đó tôi mới biết là không cần thiết phải vào khoa cấp cứu” – chị B nói.
Ông LBK (54 tuổi, ngụ Bình Thuận) cho biết vợ ông bị nhồi máu cơ tim, nhập bệnh viện ở tỉnh để điều trị, đã được can thiệp mạch vành.
“Bác sĩ ở bệnh viện tỉnh nói vợ tôi có tổn thương của ba nhánh động mạch vành, vượt quá khả năng tuyến tỉnh nên tư vấn chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Đến đây bác sĩ tim mạch giải thích tình trạng của vợ tôi vẫn có thể can thiệp, chưa cần phẫu thuật” – ông K nói.
Một bệnh nhân khác bị chấn thương sọ não, được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng ngưng tim một lần, chụp CT cho thấy tổn thương não rất nặng, đã sử dụng vận mạch liều cao, tiên lượng tử vong.
“Dù tình trạng bệnh nhân rất nặng nhưng bệnh viện tuyến dưới vẫn chuyển cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Tới nơi thì bệnh nhân đã tử vong, bác sĩ vừa không làm được gì cho bệnh nhân vừa không thể tập trung điều trị cho người khác vì phải giải quyết trường hợp này” – bác sĩ Toàn nói.
Có những chiều đầy nghẹt bệnh nhân
Bác sĩ chuyên khoa II Trầm Minh Toàn, Phó khoa Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết từ cuối tháng 6-2024 đã có hiện tượng bệnh nhân khoa Cấp cứu tăng. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 340 bệnh nhân, thứ 2, thứ 3 và thứ 6 số ca tăng cao so với các ngày còn lại.
Từ đầu tháng 7 đến nay, có 2 ngày đầu tuần bệnh nhân tăng cao kỷ lục chưa từng thấy là ngày 8-7 (437 ca) và ngày 16-7 (435 ca). Trước đây, ngày cao điểm nhất cũng chỉ tiếp nhận 420 ca.
Theo bác sĩ Toàn, có nhiều lý do khiến số lượt bệnh nhân cấp cứu tăng đột biến. “Có thể do ngày đầu tuần, tuyến dưới đánh giá lại tình trạng bệnh nhân cần chuyển lên các tuyến chuyên khoa. Sáng thứ 2 làm thủ tục chuyển, trưa hoặc chiều tối cùng ngày là lên đến Chợ Rẫy.
Tuy vậy, từ 16 giờ trở đi các phòng khám không làm việc nên khoa Cấp cứu phải tiếp nhận, giải quyết cho bệnh nhân. Có những buổi chiều khoa khoa đầy nghẹt bệnh nhân” – bác sĩ Toàn thông tin.
Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong những ngày cao điểm với hơn 400 ca cấp cứu thì gần 300 ca được chuyển từ các cơ sở y tế, còn lại là bệnh nhân tự vào. Số ca cấp cứu không tăng trội ở chuyên khoa nào mà tăng đều ở nội và ngoại khoa.
“Mỗi ngày khoa Cấp cứu chuyển lên khoa Tim mạch trung bình 30 bệnh nhân, đa phần là bệnh lý tim mạch mạn tính chuyển nặng như suy tim nặng, nhồi máu cơ tim... Đây là những ca mà các địa phương chưa có điều kiện chụp và can thiệp mạch vành, quá khó để can thiệp nên được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy” – bác sĩ Toàn nói thêm.
Giảm quá tải bệnh nhân cấp cứu
Người dân các tỉnh nên đi khám tại các cơ sở y tế gần để đánh giá tình trạng có thể điều trị được. Trường hợp ở địa phương không điều trị được mới chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Như vậy, người dân vừa được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được khám nhanh nhất vừa không phải chờ lâu vì tuyến cuối lúc nào cũng đông bệnh nhân. Nếu bệnh gì cũng dồn tuyến cuối sẽ bị quá tải, ùn tắc trong khi tuyến dưới không có bệnh nhân.
Cạnh đó, tuyến dưới trước khi chuyển bệnh cần đánh giá kỹ lưỡng, tăng cường hội chẩn để có chiến lược điều trị phù hợp, chỉ chuyển bệnh vào thời điểm phù hợp để bệnh nhân được điều trị đúng tình trạng bệnh lý, không mất quá nhiều thời gian chờ đợi.
Nếu được, các bệnh viện nên đánh giá chuyển viện đều các ngày trong tuần đối với những bệnh nhân không có tình trạng cấp cứu nhưng chuyển để được can thiệp kỹ thuật chuyên sâu. Khi chuyển nên thông báo trước theo quy định để bệnh viện tuyến trên dự kiến phương án, nguồn lực tiếp nhận bệnh nhân. (Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM)