Có một nghiên cứu dự đoán rằng đến năm 2050, số lượng rác thải nhựa - trong đó có cả ống hút mà bạn đang sử dụng hằng ngày - sẽ xâm chiếm rất nhiều các loài cá biển ở đại dương, theo Buzzfeed.
Ống hút nhựa rất khó tái chế
Ống hút nhựa rất khó tái chế. Ảnh: INTERNET
Theo Strawless Ocean, ống hút nhựa rất dễ bị máy phân loại và tái chế bỏ qua vì trọng lượng quá nhẹ. Vì thế, chúng sẽ bị dồn ứ mãi mãi ở bãi rác.
Nhựa tồn tại trong môi trường hơn... 2.000 năm
Nhựa không phải là chất có thể phân hủy sinh học một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta đốt chất thải nhựa sẽ sản sinh khí dioxin, gây hại cho môi trường và sức khỏe.
Có nhiều lý do khác nhau nhưng một lượng lớn ống hút sẽ nằm dưới đại dương
Lượng lớn ống hút nhựa trôi ra biển là bởi vì con người xả ly nhựa, ống hút khi họ đi tham quan biển. Hoặc do rác thải bị cuốn từ đất liền, nhất là trong mưa bão, hay từ các thùng rác rơi ra và trôi xuống cống thoát nước mưa và đổ ra sông, suối...
Theo một thống kê, trong số những loại rác thải nhiều nhất thế giới, ống hút nhựa đứng vị trí thứ sáu và nằm trong tốp những loại rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới môi trường biển. 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương mỗi năm, lẫn trong đó là hàng triệu ống hút nhựa đủ loại và đủ kích cỡ.
Ước tính đến năm 2050, tổng trọng lượng nhựa còn nặng hơn tổng trọng lượng cá trên đại dương (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
Do kích thước nhỏ của chúng, động vật thủy sản có thể nhầm lẫn ống hút nhựa với thức ăn và gây nghẹt thở cho chúng
Theo một thống kê của tổ chức "One Less Straw", mỗi năm có 100.000 động vật biển và 1 triệu chim biển chết do hấp thụ nhựa.
Năm 2015, báo cáo của tạp chí Scientific Reports khẳng định 1/4 số cá đánh bắt tại Indonesia và bang California của Mỹ nhiễm chất nhựa.
Bạn còn nhớ đoạn clip năm 2015 về ca phẫu thuật của một chú rùa biển không? Khi được rút chiếc ống hút dài 12 cm ra khỏi lỗ mũi, chú rùa đã chảy máu và tỏ ra rất đau đớn.
Nguồn: Kênh YouTube: CostaRicanSeaTurtles
Có hàng ngàn người nhập viện mỗi năm vì chấn thương liên quan tới ống hút
Con số trung bình ghi nhận tại Mỹ cho thấy có tới 1.400 ca nhập viện mỗi năm vì ống hút, chủ yếu ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Loại vật dụng tưởng chừng vô hại này có thể gây thương tích, trầy xước, tổn thương vùng miệng, mắt và hệ tiêu hóa…
Ngoài ra, ta không thể chắc chắn được loại nhựa sử dụng để làm ống hút này có thực sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng hay không.
Ước tính 60 năm, mỗi người tiêu thụ đến hơn 38.000 ống hút nhựa
Mỗi ngày người Mỹ thải ra gần 500 triệu ống hút nhựa, số lượng khi nối lại đủ để đi hai vòng Trái đất. Theo tính toán của tổ chức phi lợi nhuận "Cá voi đơn độc", trong suốt cuộc đời của mình, mỗi người Mỹ sẽ sử dụng hơn 35.000 ống hút nhựa. Lấy số đó nhân với 323 triệu (dân số Mỹ), chúng ta thử hình dung số lượng sẽ ở mức bao nhiêu, theo chiến dịch Vì môi trường biển Strawless Ocean..
Đó là chỉ mới tính riêng nước Mỹ. Ở những nước đang phát triển, số lượng còn kinh khủng hơn thế. Ống hút nhựa ngày càng trở nên quen mặt, với cả con người và đại dương.
Nếu có thể, hãy từ bỏ ống hút nhựa hoặc thay thế bằng một chất liệu khác như tre, thép không gỉ, giấy, silicon hay thậm chí là từ thủy tinh... Bà Adrian Grenier, người khởi xướng chiến dịch Strawless Ocean, nói rằng: “Một cái ống hút nhựa có thể là việc nhỏ nhưng ngừng sử dụng nó có thể giúp giải quyết vấn đề lớn hơn, đó là ô nhiễm nhựa”.